Không ít chị em gặp các vấn đề khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của mình như kinh ra quá ít, mãi không có kinh hay một tháng có kinh 2 lần. Việc nhận biết về các dạng rối loạn kinh nguyệt giúp chị em rõ hơn về tình trạng bản thân cũng như có hướng xử trí phù hợp. Vậy, cùng tìm hiểu về các loại bất thường kinh nguyệt qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là một rối loạn phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ảnh hưởng đến khoảng 30-40% phụ nữ. Các triệu chứng của PMS thường xuất hiện khoảng 5-7 ngày trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu và biến mất ngay khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu hoặc ngay sau đó. Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt vẫn chưa được biết rõ, nhưng được cho là do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, đặc biệt là hormone estrogen và progesterone.
Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt có thể được chia thành hai nhóm chính: triệu chứng thể chất và triệu chứng cảm xúc.
- Triệu chứng thể chất: đầy bụng, căng tức ngực, nhức đầu, táo bón, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi khẩu vị,…
- Triệu chứng cảm xúc: dễ tức giận, cáu gắt, lo lắng, bối rối, tâm trạng thay đổi thất thường, giảm khả năng tập trung, trầm cảm,…
Rong kinh
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt ra quá nhiều, khiến chị em phụ nữ phải tạm dừng các hoạt động sinh hoạt và công việc hàng ngày hoặc kinh nguyệt kéo dài nhiều ngày (thường là trên 7 ngày). Lượng máu kinh bình thường là khoảng 50-80ml/chu kỳ. Nếu chị em mất nhiều máu hơn vài lần so với lượng máu kinh bình thường hoặc phải thay băng vệ sinh nhiều hơn 3-4 lần mỗi ngày, đây là biểu hiện của tình trạng rong kinh.
Rong kinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chị em phụ nữ như: gây mệt mỏi, chóng mặt, thiếu máu, làm trầm trọng thêm cơn đau bụng kinh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản,…
Rong kinh có thể xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của người phụ nữ, kể cả tuổi thiếu niên và tuổi tiền mãn kinh. Rong kinh có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mất cân bằng nội tiết tố, viêm nhiễm cổ tử cung, u xơ tử cung, suy giáp,…
⇒ Đọc thêm: Rong kinh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Vô kinh
Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt trong vòng 3 tháng trở lên ở những người có kinh nguyệt đều và 6 tháng trở lên ở những người có kinh nguyệt thất thường. Đây là hiện tượng bình thường ở những giai đoạn không có kinh nguyệt như trước tuổi dậy thì, đang mang thai và sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, nếu chị em không đang trong các trường hợp trên, vô kinh có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó trong cơ thể.
Có hai loại vô kinh:
- Vô kinh nguyên phát: Trường hợp nữ giới đã bước qua tuổi 16 nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt. Nguyên nhân thường bởi những bất thường trong hệ thống nội tiết, các vấn đề ở buồng trứng, vùng dưới đồi hoặc bất thường về gen.
- Vô kinh thứ phát: Trường hợp nữ giới có kinh nguyệt đều đặn nhưng đột ngột mất kinh trong 3 tháng (hoặc lâu hơn). Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát có thể do rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, vấn đề tuyến yên, tuyến giáp, bệnh lý u nang buồng trứng, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng,…
Kinh thưa
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường rơi vào khoảng 21-35 ngày. Kinh thưa là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày trong thời gian 3 tháng trở lên.
Kinh nguyệt thưa thường đi kèm các triệu chứng như: chậm kinh, ra ít kinh, đau bụng kinh nhẹ,… Kinh thưa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: rối loạn nội tiết tố, buồng trứng đa nang, mất cân bằng dinh dưỡng, sử dụng thuốc, căng thẳng,…
Bế kinh
Bế kinh là tình trạng máu kinh không thể thoát ra ngoài, bị mắc kẹt bên trong cơ thể. Các biểu hiện của bế kinh thường gặp là đau bụng dưới dữ dội nhưng lại không có máu kinh. Nguyên nhân gây bế kinh có thể là: bất thường ở tử cung, bất thường âm đạo, bất thường cổ tử cung,…
Bế kinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nữ giới:
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm tử cung, viêm nhiễm vòi trứng,…
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Gây ảnh hưởng đến tâm lý, khiến chị em phụ nữ cảm thấy lo lắng, tự ti.
Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến ở phụ nữ, xảy ra trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh có thể nhẹ nhàng hoặc dữ dội, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Đau bụng kinh xảy ra do tử cung co bóp dưới sự kích hoạt của Prostaglandin – một chất gây viêm được sản xuất bởi các tế bào niêm mạc tử cung. Khi bị đau bụng kinh, chị em có thể có các triệu chứng đi kèm, như: đau bụng dưới, đau lưng, mệt mỏi, buồn nôn, nôn,…
⇒ Đọc thêm: Mách bạn 6 mẹo hay giảm đau bụng kinh mà không phải ai cũng biết
Thiếu kinh
Thiếu kinh là tình trạng lượng máu kinh ra ít hơn 20ml/chu kỳ kinh hoặc chu kỳ kinh ngắn hơn 2 ngày. Thiếu kinh có thể gây ra các triệu chứng như:
- Lượng máu kinh ra ít.
- Chu kỳ kinh ngắn, thường là 2-3 ngày
- Chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, suy nhược
- Mất kinh.
Việc nhận biết các dạng rối loạn kinh nguyệt giúp cho chị em dễ dàng xác định tình trạng của minh để tìm cách cải thiện và đi khám khi có các dấu hiệu bất thường. Nếu chị em có thắc mắc gì cần được giải đáp về tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bản thân, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline miễn cước 1800 9229 để được tư vấn thêm.
Nguồn tham khảo
- The Most Common Menstrual Disorders You Need to Know About (2020). North Atlanta Women’s Care. Truy cập ngày 20/09/2023.