Thống kinh là cơn đau bụng dưới thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Mặc dù là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng nếu cơn đau quá dữ dội hoặc kèm theo các triệu chứng khác, chị em cần cảnh giác với các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Thống kinh là gì? Biểu hiện của thống kinh?
Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng bong tróc và tống xuất lớp niêm mạc tử cung ra ngoài. Quá trình này chịu sự điều khiển của các hormone sinh dục nữ, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tử cung, buồng trứng, âm đạo, vú và hệ thống thần kinh nội tạng.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài. Sự co bóp này có thể gây đau bụng dưới, thậm chí lan lên ngực, thắt lưng, đùi, vùng kín và được gọi chung là thống kinh. Cụ thể, một số triệu chứng phổ biến của thống kinh bao gồm:
- Đau bụng dưới: Đây là triệu chứng điển hình nhất của thống kinh. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, có thể lan lên ngực, lưng, đùi.
- Rối loạn tiêu hóa: Một số chị em bị thống kinh có thể gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
- Đau đầu: Đau đầu là triệu chứng phổ biến khác của thống kinh. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn.
- Các triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng trên, thống kinh có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt nhẹ, bủn rủn tay chân, thay đổi cảm xúc.
Phân loại thống kinh
Thông thường, người ta thống kinh thành hai nhóm chính: thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát dựa vào nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thống kinh nguyên phát
Thống kinh nguyên phát là tình trạng đau bụng kinh mà không tìm thấy nguyên nhân thực thể nào. Thống kinh nguyên phát có thể khiến chị em phụ nữ đau đớn dữ dội, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng của thống kinh nguyên phát thường xuất hiện trong những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Nguyên nhân chính xác của thống kinh nguyên phát vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, người ta cho rằng khi tử cung co thắt để tống máu kinh ra ngoài, sự co thắt quá mức có thể gây ra cơn đau bụng kinh. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng thần kinh có thể góp phần gây ra thống kinh nguyên phát. Khi cơ thể bị căng thẳng, các hormone cortisol và adrenaline được giải phóng có thể kích thích tử cung co thắt và gây đau.
Thống kinh thứ phát
Thống kinh thứ phát là tình trạng đau bụng khi hành kinh có nguyên nhân thực thể, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai, dính nội mạc tử cung, chít hẹp lỗ tử cung, tử cung dị dạng, u nang buồng trứng, lạc vòng tránh thai,… Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra thống kinh thứ phát, bệnh nhân cần phải được thăm khám lâm sàng và đôi khi sẽ cần chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh học để xác định chẩn đoán, định hướng điều trị.
Triệu chứng đau bụng trong thống kinh thứ phát tương tự như thống kinh nguyên phát, nhưng đau thường xuất hiện sớm hơn, trước khi có kinh khoảng một tuần. Cơn đau có thể kéo dài hơn cho đến khi sạch kinh hoặc đột ngột xuất hiện vào các thời điểm khác trong tháng.
Thống kinh thứ phát thường xuất hiện muộn hơn thống kinh nguyên phát. Độ tuổi thường bị thống kinh thứ phát là từ 30 đến 40 tuổi, khi người phụ nữ đã trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt.
Thống kinh có nguy hiểm không?
Ở phần lớn các phụ nữ, thống kinh nguyên phát không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ gây khó chịu trong thời gian hành kinh. Tuy nhiên, ở một số ít phụ nữ, thống kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Trong khi đó, thống kinh thứ phát thường có mức độ đau nặng hơn thống kinh nguyên phát và có thể kéo dài hơn, thậm chí là xuất hiện vào những thời điểm khác trong tháng. Thống kinh thứ phát có thể là triệu chứng báo động cho các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn, vì vậy chị em cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thống kinh có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của chị em phụ nữ như:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Thống kinh có thể khiến chị em bị mệt mỏi, thiếu máu, thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Ảnh hưởng đến tâm lý: Thống kinh khiến chị em cảm thấy lo lắng, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Thống kinh khiến chị em khó khăn trong việc lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
⇒ Xem thêm: Đau bụng kinh dữ dội có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí
Điều trị thống kinh như thế nào?
Thống kinh nguyên phát thường tự khỏi khi phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, nếu thống kinh ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày, chị em phụ nữ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm đau:
- Dùng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, acetaminophen có thể giúp giảm đau bụng kinh.
- Sử dụng các biện pháp giảm đau tự nhiên: Các biện pháp giảm đau tự nhiên, chẳng hạn như chườm nóng, massage, tập yoga, thiền có thể giúp giảm đau bụng kinh.
- Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm tình trạng thống kinh.
Còn với trường hợp thống kinh thứ phát, chị em cần được điều trị theo nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp này, chị em cần đi khám sớm để lựa chọn phương án điều trị phù hợp.
⇒ Xem thêm: 6 loại thuốc giảm đau bụng kinh thường gặp và các tác dụng phụ cần chú ý
Thống kinh là vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ. Thống kinh có thể khiến cho cơ thể các chị em khó chịu, bất tiện trong những ngày kinh nguyệt. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này giúp chị em có những lựa chọn điều trị phù hợp. Nếu còn thắc mắc gì về thống kinh, chị em hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline miễn cước 1800 9229 để đươc tư vấn thêm nhé.
Nguồn tham khảo
- Hassan Nagy. Dysmenorrhea (2022). National Library of Medicine. Truy cập ngày 27/09/2023.