Kinh nguyệt không đều là vấn đề hay gặp phải ở các chị em trong độ tuổi dậy thì hoặc sau sinh con, độ tuổi tiền mãn kinh. Sự bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chế độ sinh hoạt, công việc hàng ngày. Chính vì thế, việc hiểu rõ về chu kỳ kinh nguyệt cũng như nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều sẽ giúp chị em biết cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Kinh nguyệt đều là như thế nào?
Kinh nguyệt đều là khi kinh nguyệt xảy ra với một chu kỳ đều đặn và có cùng độ dài giữa các kỳ kinh. Đây là một biểu hiện bình thường của sự phát triển và hoạt động của cơ thể chị em phụ nữ.
Với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn sẽ có những đặc điểm như:
– Thời gian giữa các kỳ kinh nguyệt như nhau: Chu kỳ kinh nguyệt đều thường kéo dài từ 28 đến 32 ngày, tính từ ngày đầu tiên của một kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo.
– Thời gian hành kinh ổn định: Kinh nguyệt trong mỗi kỳ kéo dài từ 3 đến 5 ngày và có cường độ ổn định.
– Không có triệu chứng đau quá mức: Khi có chu kỳ kinh nguyệt đều, chị em ít gặp tình trạng đau bụng kinh hoặc mức độ đau không quá nghiêm trọng.
Chu kỳ kinh nguyệt đều cho thấy cơ thể đang hoạt động một cách bình thường và cơ quan sinh sản đang khỏe mạnh. Ngược lại nếu thấy tình trạng kinh nguyệt không diễn ra như bình thường thì chị em cần hết sức lưu ý.
Dấu hiệu kinh nguyệt không đều
Khi bị rối loạn kinh nguyệt chị em sẽ nhận thấy những biểu hiện sau:
– Chu kỳ kinh không đều: Vòng kinh ngắn dưới 21 ngày (gọi là kinh mau) và dài trên 35 ngày (kinh thưa) hoặc kinh nguyệt không xuất hiện trong một thời gian dài từ 6 tháng trở lên (mất kinh hoặc vô kinh)
– Số ngày hành kinh: Ngày kinh nguyệt diễn ra ít hơn 3 ngày hoặc nhiều hơn 7 ngày.
– Lượng máu kinh: Lượng máu mất đi ở mỗi kỳ kinh khoảng 50-150ml nhưng khi rối loạn có thể mất ít dưới 5ml hoặc nhiều hơn 150ml, kinh chảy ồ ạt…
– Màu sắc kinh nguyệt: Thông thường máu kinh màu đỏ sẫm, mùi hơi tanh, không đông. Khi bị rối loạn sẽ có màu bất thường, đỏ tươi, hồng nhạt hoặc đen sẫm, có lẫn máu cục.
– Triệu chứng kèm theo: Rối loạn kinh nguyệt khiến chị em gặp phải cơn đau vùng bụng dưới, đau xuyên cột sống, lan xuống đùi, đau tức ngực, buồn nôn, thay đổi tâm trạng, chứng rối loạn giấc ngủ, hay sự thay đổi về cảm xúc…
Nguyên nhân kinh nguyệt không đều
Tình trạng kinh nguyệt không đều ở chị em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:
Mất cân bằng nội tiết tố
Sự thay đổi hormone trong cơ thể ở giai đoạn tuổi dậy thì, sau khi sinh con hoặc tuổi tiền mãn kinh… cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt không đều hoặc bị gián đoạn một thời gian.
Rối loạn tâm lý
Áp lực tâm lý, căng thẳng, lo lắng, và các tình trạng tâm lý khác có thể gây ra sự không đều trong chu kỳ kinh nguyệt.
Rối loạn dinh dưỡng và cân nặng
Chán ăn gây thiếu chất dinh dưỡng và giảm cân đột ngột hoặc ăn uống quá độ khiến cân nặng tăng nhanh cũng có thể gây nhiễu loạn hormone trong cơ thể, ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
Vận động quá mức
Vận động thể dục thể thao hàng ngày ở trạng thái quá độ cũng gây rối loạn kinh nguyệt.
Mắc các bệnh lý sản phụ khoa
Khi mắc các bệnh lý sản phụ khoa như viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc cổ tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung… cũng gây rối loạn kinh nguyệt.
Mắc bệnh ở tuyến giáp
Phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp cũng khiến kinh nguyệt không đều do hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới tốc độ trao đổi chất của cơ thể.
Dùng thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc gây giãn cơ tử cung, hoặc một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
===>>> Xem thêm: Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt và biện pháp khắc phục
Tác hại của kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều phản ảnh bất thường ở cơ quan sinh sản và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà chị em không được chủ quan.
– Thiếu máu
Kinh nguyệt không đều, đặc biệt là kinh nguyệt quá nhiều, có thể dẫn đến thiếu máu do mất quá nhiều máu trong mỗi chu kỳ kinh.
– Thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể
Kinh nguyệt không đều có thể làm thay đổi sự hấp thụ và cung cấp chất dinh dưỡng trong cơ thể, gây ra rối loạn dinh dưỡng và thiếu chất dinh dưỡng quan trọng.
– Ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản
Kinh nguyệt không đều là biểu hiện của một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp cổ tử cung, viêm nhiễm tử cung…Các bệnh lý sản phụ khoa nếu không kịp thời phát hiện và điều trị có thể tiến triển thành ác tính, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng chị em.
– Tăng nguy cơ hiếm muộn, vô sinh
Kinh nguyệt không đều có thể làm giảm khả năng thụ tinh do khó xác định thời điểm rụng trứng và chu kỳ rụng trứng không đều.
– Ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu quan hệ tình dục trong ngày “đèn đỏ” sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mắc các bệnh lý phụ khoa. Bên cạnh đó, kinh nguyệt rối loạn cũng ảnh hưởng cuộc “yêu” khiến nam nữ không còn cảm giác hưng phấn, bị ảnh hưởng tâm lý.
– Ảnh hưởng tới nhan sắc
Sự rối loạn hormone estrogen và progesteron sẽ gây tác động trực tiếp đến cảm xúc và nhan sắc của chị em. Khí huyết lưu thông kém khiến da kém mịn màng, tính tình chị em dễ cáu gắt, nóng tính…Nhiều chị em lo lắng, căng thẳng, mất tự tin trong những ngày “đèn đỏ” khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Cách điều trị kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên để cải thiện tình trạng này cần dựa vào các căn nguyên gây bệnh.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chị em cần chú ý tới chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất thông qua các loại trái cây, rau củ quả, thịt, cá, trứng… hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên rán, thực phẩm cay nóng, đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê…
Đặc biệt, nên uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước/ ngày) giúp thanh lọc cơ thể và giữ lượng đường huyết ổn định, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
Thay đổi chế độ sinh hoạt
Để cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, chị em nên chú ý nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế thức khuya, ngủ đúng giờ, đủ giấc để đảm bảo sức khỏe.
Tăng cường vận động thể dục thể thao mỗi ngày giúp nâng cao thể trạng, hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể hoạt động tốt hơn, ngừa rối loạn nội tiết và kinh nguyệt. Các môn thể thao giúp ích cho sức khỏe chị em như yoga, đi bộ, bơi lội…
Duy trì tâm lý thoải mái
Căng thẳng, stress quá độ cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế chị em cần chú ý điều chỉnh cảm xúc, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi trong công việc và cuộc sống. Hãy tham gia các hoạt động giao lưu, sinh hoạt tập thể hoặc làm việc nhà, trồng cây xanh, nghe nhạc, đọc sách… để ổn định tâm trạng.
Sử dụng thuốc tây y điều trị rối loạn kinh nguyệt
Đối với những trường hợp kinh nguyệt không đều do rối loạn hormone hoặc do mắc các bệnh lý sản phụ khoa, chị em cần chủ động thăm khám để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc điều trị bệnh lý, từ đó ổn định chu kỳ kinh.
Các loại thuốc thường được chỉ định điều trị rối loạn kinh nguyệt gồm:
Thuốc nội tiết: Là loại thuốc chứa estrogen hoặc kết hợp estrogen và progestatif giúp điều chỉnh hormone nội tiết tố trong cơ thể.
Thuốc tránh thai: Những loại thuốc tránh thai hàng ngày chứa estrogen và progestin có thể giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt, giảm tình trạng rong kinh và đau bụng kinh.
Thuốc chống viêm không steroid: Thường được dùng để hạ nồng độ prostaglandin trong cơ thể xuống thấp, giúp cải thiện tình trạng rong kinh, thống kinh.
Thuốc sắt: Thường được kê cho những trường hợp mất máu nhiều trong thời gian hành kinh gây thiếu máu.
Việc dùng loại thuốc nào với liều lượng ra sao để điều trị kinh nguyệt không đều cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Vì thế chị em không nên tự ý dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt do mắc bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, viêm nhiễm tử cung… bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp hoặc chỉ định phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh.
===>>> Xem thêm: Thuốc điều hòa kinh nguyệt và các lưu ý khi sử dụng
Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng bài thuốc dân gian
Ích mẫu, đương quy, xuyên khung, ngải cứu… là những vị thảo dược dân gian được nhiều người truyền tai nhau sử dụng để ổn định kinh nguyệt.
Bài thuốc với Ích mẫu: chuẩn bị 50g cây ích mẫu, 50g đường đỏ, 30g gừng tươi, 20g táo đỏ. Cho các nguyên liệu vào nồi và đun với 1,5 lít nước, cô đặc còn khoảng 300ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc với ngải cứu: chuẩn bị 5-10g bột ngải cứu hoặc 4g cao ngải cứu, pha với nước ấm, uống trước ngày hành kinh từ 3-5 ngày. Hoặc chuẩn bị 12g ngải cứu khô, 12g đẳng sâm, 12g thục địa, 12g xuyên khung, 8g gừng khô, 20g hà thủ ô. Đem các nguyên liệu sắc với 1,5 lít nước cô lại khoảng 300ml và uống liên tục trong 10 ngày cũng giúp ổn định kinh nguyệt, cải thiện tình trạng chậm kinh hoặc máu kinh ít.
Bài thuốc với đương quy và xuyên khung: Chuẩn bị đương quy (phơi khô và tẩm rượu) 12g, Đẳng sâm, Bạch thược, Bạch truật, Thục địa, Bạch linh mỗi vị 12g, Xuyên khung 8g, Chích thảo 3g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 quả. Đem các nguyên liệu sắc với 1,5 lít nước, cô lại còn khoảng 250ml và uống 3 lần trong ngày để giúp bồi bổ khí huyết, cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, thiếu máu.
Câu hỏi thường gặp về kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều có thai được không?
Chị em kinh nguyệt không đều vẫn có thể mang thai, nhưng sẽ làm giảm khả năng thụ thai, khiến chị em khó mang thai. Ở một số trường hợp kinh nguyệt không đều trong thời gian dài hoặc vô kinh có thể tăng nguy cơ vô sinh ở nữ.
Làm thế nào để dễ thụ thai khi kinh nguyệt không đều?
Nếu có ý định mang thai nhưng kinh nguyệt không đều chị em nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó để dễ thụ thai, chị em có thể tham khảo các gợi ý như: theo dõi sát ngày rụng trứng, tăng tần suất sinh hoạt vợ chồng; cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi; duy trì tâm lý thoải mái, kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ…
Trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng kinh nguyệt không đều. Hy vọng với những thông tin hữu ích chia sẻ trong bài viết trên giúp chị em hiểu rõ về tình trạng này và lựa chọn được phương pháp ổn định chu kỳ kinh nguyệt phù hợp. Để được tư vấn thêm, mời độc giả liên hệ tổng đài 18009229 (miễn cước phí) để được Dược sĩ chuyên môn giỏi giải đáp.
Nguồn tham khảo
- Minesh Khatri, MD (2023) Why Is My Period So Random? Webmd. Truy cập ngày 20/4/2023
- Robyn R. Miller, MD (2018). Irregular Periods. Kidshealth. Truy cập ngày 20/4/2023