Chế độ ăn uống cân bằng và khoa học là điều cần thiết cho sức khỏe của bạn ở bất kỳ thời điểm nào và nó đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai. Chế độ ăn uống khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn cả thai nhi. Đó là lý do tại sao cần bổ sung đầy đủ các thực phẩm dinh dưỡng cho bà bầu suốt 9 tháng thai kỳ.
Lợi ích của thực phẩm dinh dưỡng đối với bà bầu
Ăn uống đầy đủ trong thai kỳ giúp bạn cảm thấy sức khỏe tốt lên mỗi ngày, đây là điều rất cần thiết đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Những lợi ích của bổ sung thực phẩm dinh dưỡng trong thai kỳ bao gồm:
- Giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
- Giúp thai nhi phát triển trí não một cách toàn diện.
- Giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh và các biến chứng sản khoa gây ra.
- Giảm các triệu chứng khó chịu khi mang thai như buồn nôn và mệt mỏi.
- Giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý trong thai kỳ như bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, huyết áp cao…
- Cung cấp cho trẻ một khởi đầu dinh dưỡng tuyệt vời.
- Cân nặng trẻ khi chào đời đạt chuẩn theo khuyến cáo.
Những thực phẩm dinh dưỡng cần bổ sung cho bà bầu
Thực phẩm là nguồn cung cấp các dưỡng chất đa dạng nhất cho bà bầu. Dưới đây là một số thực phẩm bổ dưỡng cho bà bầu mà mẹ có thể thêm vào thực đơn dinh dưỡng của mình:
Trái cây và rau củ
Trái cây gì tốt cho bà bầu? Hầu hết các loại trái cây và rau củ đều đem lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu. Trái cây, rau củ giúp cung cấp carbohydrate (đường và tinh bột), chất xơ, vitamin, khoáng chất và nó chứa rất ít chất béo. Đây là những dưỡng chất không thể thiếu trong thai kỳ.
Lời khuyên cho các bà bầu là tốt nhất nên ăn khoảng 4 phần rau và 4 phần trái cây mỗi ngày. Bạn có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn khác nhau, ăn trực tiếp hay ép lấy nước. Khi sử dụng nước ép trái cây nên uống nước ép nguyên chất không cần thêm đường.
Một số loại trái cây rau củ giàu dinh dưỡng, dễ kiếm mà mẹ bầu có thể sử dụng gồm: cam, táo, nho, dâu tây; rau xanh lá như rau bina, bông cải xanh, cải xoăn…
Bánh mì và ngũ cốc
Bánh mì, ngũ cốc cung cấp carbohydrate (đường và tinh bột), chất xơ và các chất dinh dưỡng như vitamin B và khoáng chất. Bạn cần bổ sung nhiều bánh mì và ngũ cốc khi mang thai. Tốt nhất nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt vì chúng cung cấp thêm chất dinh dưỡng và chất xơ – đồng thời giúp ngăn ngừa táo bón. Bạn nên đặt mục tiêu ăn khoảng sáu phần bánh mì và ngũ cốc mỗi ngày, ví dụ như một chén bánh ngô, một lát bánh mì nướng, một chén mì ống nấu chín và hai ổ bánh mì.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Đây là nguồn cung cấp canxi, protein, vitamin tan trong dầu như A, D, E, K và khoáng chất tuyệt vời cho phụ nữ mang thai. Đặc biệt, sữa là nguồn cung cấp vitamin K2 dồi dào mà nhiều thực phẩm khác không có. Bạn cần bổ sung ít nhất 2 ly sữa hoặc các sản phẩm từ sữa mỗi ngày, bạn nên chọn các sản phẩm sữa ít béo.
Thịt nạc, thịt gà
Những thực phẩm này cung cấp cho bạn protein, sắt, kẽm và các chất dinh dưỡng khác. Khi mang thai cơ thể bạn cần nhiều sắt và kẽm hơn. Sắt đặc biệt quan trọng để tránh thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, vì vậy hãy ăn những thực phẩm giàu sắt kết hợp với những thực phẩm giàu vitamin C.
Trứng
Trứng là thực phẩm dinh dưỡng kỳ diệu trong thời gian mang thai. Khi sử dụng trứng không chỉ cung cấp một nguồn protein dồi dào mà nó còn cung cấp vitamin và khoáng chất, DHA.
Trong lòng đỏ trứng còn rất giàu choline – đây là một chất được chứng minh có lợi ích trong sự phát triển của não bộ, ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh ở trẻ giống như folate. Cho đến nay, gan và trứng là hai loại thực phẩm được chứng minh là chứa hàm lượng choline cao nhất. Chỉ với 2 lòng đỏ trứng đã có thể đáp ứng nhu cầu về choline của mẹ.
Cá béo và một số hải sản khác
Nhắc đến hải sản chắc hẳn mẹ bầu nào cũng biết đây là nguồn cung cấp omega 3 dồi dào nhất. Ngoài ra, trong hải sản còn có chứa nhiều dưỡng chất khác như các vitamin (A, D), khoáng chất (selen, kẽm, iot). Bà bầu nên lựa chọn các loại hải sản tươi nhất có thể, nên hạn chế lựa chọn các cá có hàm lượng thủy ngân cao.
Cá nước lạnh đặc biệt có lợi với phụ nữ mang thai bởi cung cấp hàm lượng omega 3 và DHA cao. Cá hồi, cá trích, cá mòi cung cấp hàm lượng omega 3 cao lại chứa ít thủy ngân nên bạn có thể lựa chọn để bổ sung hàng ngày.
Đồ uống bổ dưỡng và đồ uống không tốt cho bà bầu
Chất lỏng chiếm khoảng 33% trọng lượng của cơ thể phụ nữ mang thai, do vậy việc cung cấp đầy đủ lượng nước chứa nhiều chất dinh dưỡng là điều cần thiết cho mẹ bầu.
- Nên uống 8 – 10 cốc chất lỏng mỗi ngày, tốt nhất là nước hoặc sữa ít béo. Ngoài ra nên bổ sung nước ép trái cây nguyên chất mỗi ngày.
- Hạn chế uống caffeine và cẩn thận với các loại trà thảo mộc không dành cho phụ nữ mang thai.
- Hạn chế những đồ uống như nước ngọt, rượu, bia.
- Tránh uống trà trong bữa ăn vì tanin trong trà làm giảm hấp thụ chất sắt.
===>>> Xem thêm: Những thứ bà bầu không nên ăn trong suốt thai kỳ – Cẩm nang làm mẹ
Những thực phẩm bà bầu nên tránh khi mang thai
Ở những phụ nữ mang thai có khả năng miễn dịch thấp hơn do đó mẹ và thai nhi dễ có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền thông qua thực phẩm. Mẹ có thể nhiễm khuẩn listeria, salmonella và campylobacter và các mầm bệnh như toxoplasma khi ăn thực phẩm. Đặc biệt khi bạn đang mang thai nó có thể gây nhiễm trùng cho cả mẹ và thai nhi, trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu. Vì vậy, bạn không nên ăn các loại thực phẩm sau đây khi đang mang thai:
- Thịt chế biến sẵn như patê, xúc xích, giăm bông.
- Sữa tươi, phô mai mềm chưa tiệt trùng.
- Cá sống, thịt sống, hải sản sống, trứng sống.
Lưu ý rằng những thực phẩm này an toàn để sử dụng khi được đun kỹ trên 70°C.
===>>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng – Cẩm nang làm mẹ
Các lưu ý khi sử dụng thực phẩm dinh dưỡng cho bà bầu
Bên cạnh việc lựa chọn cho mình những đồ ăn, đồ uống dinh dưỡng bà bầu nên chú ý một số vấn đề sau:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và mỗi bữa ăn không cần phải cố gắng ăn quá nhiều.
- Hạn chế thức ăn nhiều chất béo và nhiều gia vị.
- Tránh nằm ngay sau bữa ăn thay vào đó bạn có thể đi lại nhẹ nhàng và tập một số động tác hỗ trợ tiêu hoá thức ăn.
- Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc dùng thuốc kháng axit dạ dày.
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bà bầu có thể giúp một số phụ nữ kiểm soát chứng ốm nghén sớm trong thai kỳ, chứng khó tiêu và ợ chua sau này trong thai kỳ. Những thông tin trên đây có thể giúp bạn biết thêm kiến thức về những thực phẩm dinh dưỡng cho bà bầu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể để lại thông tin cá nhân hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài miễn phí cước 1800 9229 để được tư vấn.
Nguồn tham khảo
Plunket. Pregnancy nutrition, truy cập vào ngày 22/06/2022.