Dị tật tim bẩm sinh là một trong những bất thường về tim ở thai nhi và có thể dẫn đến tử vong cho trẻ sau khi chào đời. Để nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời mẹ nên tiến hành siêu âm dị tật tim thai trong thai kỳ. Vậy siêu âm dị tật tim thai tuần thứ mấy cho kết quả chính xác nhất? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Siêu âm tim thai là gì?
Siêu âm tim thai là một xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra cấu trúc và chức năng tim thai nhi của bạn. Thông qua hình ảnh siêu âm có thể xác định được sơ bộ về các dị tật tim thai nếu có.
Đây là một trong những xét nghiệm quan trọng hàng đầu trong thai kỳ. Mặc dù không phải ai cũng nắm được những lợi ích của việc siêu âm tim thai nhưng nó được các bác sĩ khuyến cáo trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Vì sao cần phải siêu âm dị tật tim thai?
Dị tật tim bẩm sinh là tình trạng hiện đang gặp rất nhiều ở trẻ em và có nguy cơ cao gây tử vong cho trẻ. Với những thai nhi có dị tật tim thai phức tạp có thể tử vong ngay trong 3 tháng đầu. Một số bé bị dị tật tim bẩm sinh sau khi chào đời dù có sống được cũng có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển: trẻ chậm phát triển về trí tuệ, chậm tăng cân, nhịp tim nhanh, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Siêu âm dị tật tim thai là biện pháp giúp xác định nhanh chóng những bất thường xảy ra ở tim thai nhi. Ngoài ra, nó còn mang lại nhiều lợi ích khác như:
- Giúp can thiệp kịp thời giảm thiểu khả năng tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Khi phát hiện dị tật tim thai sớm, gia đình có thể sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như tài chính để chăm sóc trẻ sau sinh.
Nên siêu âm dị tật tim thai tuần thứ mấy?
Siêu âm dị tật tim thai tuần thứ bao nhiêu chính xác nhất? Hiện nay, việc siêu âm tìm thai có thể tiến hành từ tuần thứ 7 – 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, trong thời gian này chỉ giúp bạn có thể nghe được những nhịp tim đầu tiên của con mà chưa thể phát hiện được các bất thường xảy ra với tim thai.
Để xác định được chính xác nhất các dị tật tim thai, mẹ nên tiến hành siêu âm tim thai ở khoảng tuần 20. Vào thời gian này, tim của thai nhi gần như đã phát triển đầy đủ và nếu có bất thường có thể phát hiện được ở giai đoạn này. Thai phụ có thể được yêu cầu siêu âm tim thai lại sau một vài tuần để đảm bảo kết quả là chính xác nhất.
Các phương pháp siêu âm tim thai
Siêu âm dị tật tim thai tương tự như các siêu âm khác trong thai kỳ. Nó bao gồm 2 phương pháp là siêu âm qua bụng và siêu âm qua ngã âm đạo.
Siêu âm tim thai qua bụng
Với siêu âm tim thai qua ổ bụng, các bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ nằm xuống và bôi một lớp thạch lên để giảm độ ma sát trong quá trình di chuyển đầu dò trên bụng bầu. Kỹ thuật viên sẽ di chuyển đầu dò đến khắp các vị trí trên bụng của bạn. Bằng cách này có thể quan sát được nhiều bộ phận trên cơ thể thai nhi trong đó có tim thai.
Siêu âm tim qua bụng là hình thức siêu âm phổ biến nhất, không gây đau đớn hay gây hại cho bé. Hiện nay, nó được chia thành các loại sau:
- Siêu âm 2D: Là phương pháp siêu âm đã được phát hiện từ lâu. Nó giúp phát hiện mẹ có thai hay không và sẽ cho xác định được cấu trúc tim và một số dị tật xảy ra ở tim.
- Siêu âm 3D: Đây là phương pháp đang được áp dụng tại nhiều phòng khám và các bệnh viện. Thông qua hình ảnh 3D bác sĩ sẽ phát hiện được tuổi thai và một số dị tật tim thai nếu có.
- Siêu âm 4D: Hiện nay, siêu âm 4D được cho là loại siêu âm tân tiến đang được áp dụng tại nhiều phòng khám sản khoa. Siêu âm 4D cho phép ghi lại hình ảnh rõ nét nhất về mọi cử động của thai nhi. Các bác sĩ cũng dễ dàng chẩn đoán được các dị tật tim thai hay một số dị tật thai nhi khác thông qua phương pháp này.
- Siêu âm Doppler tim: Phương pháp này giúp đo được lưu lượng máu qua tim thai nhi.
Thực tế, khi siêu âm tim thai nhi bác sĩ sẽ kết hợp giữa siêu âm 2D và Doppler tim.
===>>> Xem thêm: Tổng hợp các xét nghiệm trong thai kỳ – Bà bầu không nên bỏ qua
Siêu âm tim thai qua ngã âm đạo
Với phương pháp siêu âm tim qua ngã âm đạo, kỹ thuật viên sẽ dùng một đầu dò nhỏ đưa vào trong âm đạo của bạn. Đầu dò này sẽ sử dụng sóng âm để ghi lại những hình ảnh tim của em bé.
Siêu âm tim qua ngã âm đạo thường được áp dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nó giúp cung cấp những hình ảnh rõ ràng hơn về tim thai.
Những ai cần siêu âm dị tật tim thai?
Siêu âm dị tật tim thai nên được thực hiện ở tất cả các phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Siêu âm này càng đặc biệt quan trọng nếu em bé trong bụng mẹ có nguy cơ bị dị tật tim thai:
- Mẹ bầu đã từng sinh ra những đứa con bị dị tật tim bẩm sinh.
- Gia đình bạn đã từng có người bị dị tật tim bẩm sinh.
- Mẹ bầu có sử dụng rượu, thuốc lá khi mang thai.
- Thai nhi chậm tăng trưởng trong giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ.
- Thai nhi gặp phải một số khiếm khuyết về cấu trúc của một số cơ quan khác.
- Mẹ bầu đang sử dụng thuốc hoặc có tiếp xúc với một số hóa chất có khả năng gây dị tật tim thai như thuốc động kinh hay một số thuốc trị mụn kê đơn.
- Mẹ bầu gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường; các bệnh rối loạn tự miễn dịch như lupus ban đỏ; bệnh phenylketon niệu…
===>>> Xem thêm: Lịch khám thai định kỳ đầy đủ mà phụ nữ mang thai cần ghi nhớ
Những điều cần làm sau khi siêu âm dị tật tim thai
Sau khi siêu âm dị tật tim thai, các bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu quay lại làm một số xét nghiệm khác cho đến khi tới ngày sinh. Nếu có xảy ra các dị tật tim thai, các bác sĩ nhi khoa sẽ hẹn bạn tới và giải thích một số vấn đề đối với tình trạng hiện tại của con bạn. Một số vấn đề này có thể bao gồm việc dị tật tim thai có gây ảnh hưởng đến thai nhi trước khi sinh không, mẹ bầu có cần được tiến hành chăm sóc đặc biệt không, bé có cần phẫu thuật tim sau khi sinh không…
Nếu bé nhà bạn có nghi ngờ dị tật tim thai, các bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Siêu âm thai chuyên sâu.
- Chọc dò nước ối.
- MRI thai nhi.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ tư vấn một số vấn đề mà ba mẹ cần chuẩn bị nếu thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi “Siêu âm dị tật tim thai tuần thứ mấy cho kết quả chính xác nhất?” và một số vấn đề liên quan đến dị tật tim thai nhi. Hy vọng rằng, qua bài viết này bạn sẽ có kế hoạch thăm khám hợp lý để kịp thời phát hiện và xử lý các bất thường xảy ra. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 1800 9229 hoặc để lại thông tin liên hệ để được giải đáp.
Nguồn tham khảo
Tác giả: Tricia Kinman (2018), Fetal Echocardiography, Healthline. Triu cập ngày 29/06/2022.