Bế kinh là một hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, trong đó chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ bị gián đoạn hoặc không xuất hiện. Bế kinh nếu diễn ra lâu ngày ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chị em. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Hiện tượng bế kinh là gì?
Bế kinh là hiện tượng kinh nguyệt không xuất hiện theo chu kỳ bình thường, xảy ra do sự tắc nghẽn ở đường sinh dục khiến máu kinh không thể thoát ra ngoài gây vô kinh, mất kinh.
Khi tình trạng máu kinh bị ứ đọng trong cơ thể từ 3 tháng trở lên thì được xác định là bế kinh. Có người chỉ bế kinh trong vài tháng nhưng cũng có người bế kinh nhiều năm liên tiếp cho đến khi mãn kinh.
Dựa vào việc nữ giới đã từng có kinh chưa trước khi bị bế kinh, người ta chia bế kinh thành 2 loại: bế kinh nguyên phát và bế kinh thứ phát.
- Bế kinh nguyên phát là tình trạng nữ giới đến tuổi dậy thì (thường là sau 18 tuổi) nhưng không thấy kinh nguyệt.
- Bế kinh thứ phát là tình trạng phụ nữ đang có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn bình thường thì đột ngột bị mất kinh.
Nguyên nhân gây ra tình trạng bế kinh
Bế kinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các bệnh lý phụ khoa, rối loạn nội tiết tố, chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh,…
Bế kinh nguyên phát
Bế kinh nguyên phát thường xảy ra do sự bất thường của cơ quan sinh dục nữ giới hoặc sự rối loạn bài tiết hormon sinh dục của cơ thể.
- Dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục: Dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục là nguyên nhân phổ biến nhất gây bế kinh nguyên phát. Một số dị tật bẩm sinh có thể gây bế kinh nguyên phát như: tử cung nhi hóa, không có tử cung, không có âm đạo,…
- Rối loạn nội tiết: Sư bất thường trong việc tiết hormon của các cơ quan, các tuyến trong cơ thể cũng có thể là nguyên nhân gây bế kinh nguyên phát như: thiểu năng tuyến yên, thiểu năng buồng trứng,…
Bế kinh thứ phát
Nguyên nhân của bế kinh thứ phát có thể do nhiều yếu tố, từ chế độ dinh dưỡng, bệnh lý cho đến sự bất thường cấu trúc của cơ quan sinh dục
- Cấu trúc bất thường của cơ quan sinh dục có thể gây bế kinh thứ phát do ngăn cản sự phát triển và bong tróc của niêm mạc tử cung. Sẹo tử cung có thể hình thành do phẫu thuật nạo phá thai, phẫu thuật nội soi tử cung, hoặc các chấn thương vùng chậu khác có thể khiến máu kinh bị tắc lại và không thể thoát ra ngoài.
- Các bệnh lý ở cơ quan sinh dục: Một số bệnh lý ở cơ quan sinh dục cũng có thể gây bế kinh thứ phát như suy buồng trứng sớm, u nang buồng trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,…
- Rối loạn dinh dưỡng và tinh thần: Tình trạng suy dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt hormone estrogen và progesterone – những hormone cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, việc căng thẳng, lo âu cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới bế kinh thứ phát.
Bế kinh có nguy hiểm không?
Nhiều người khi bị bế kinh thường chủ quan và nghĩ chúng không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, bế kinh kéo dài có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ như:
- Tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý: Bế kinh kéo dài khiến chị em phụ nữ luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, tự ti về bản thân và dẫn đến trầm cảm.
- Gây viêm nhiễm: Máu kinh bị ứ đọng lại, không thể thoát ra ngoài được lâu ngày sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, gây viêm nhiễm ổ bụng.
- Tổn thương buồng trứng: Bế kinh xảy ra do mức estrogen bị thiếu hụt, khiến nội mạc tử cung không thể phát triển bình thường, từ đó buồng trứng bị thoái hóa và tổn thương.
- Téo nhỏ bộ phận sinh dục: Bế kinh gây ra hiện tượng suy buồng trứng sớm, dẫn đến rối loạn tình dục, lão hóa sớm, thậm chí có thể gây ung thư tử cung, bệnh về tim mạch hoặc teo các bộ phận sinh dục.
- Gây hiếm muộn, vô sinh: Bế kinh kéo dài khiến máu kinh không thể thoát ra được, ứ đọng lại khiến tử cung bị căng phồng, niêm mạc tử cung và vòi tử cung bị tàn phá nghiêm trọng, gây vô sinh. Ngoài ra, bế kinh còn khiến quá trình rụng trứng khó khăn, giảm chất lượng trứng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
⇒ Đọc thêm: Rối loạn kinh nguyệt để lâu có sao không?
Điều trị bế kinh như thế nào?
Do bế kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và mỗi nguyên nhân lại có một cách điều trị khác nhau. Vì vậy, để điều trị bế kinh hiệu quả, cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau khi xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bế kinh phổ biến:
Dùng thuốc Tây y
- Thuốc kháng sinh, kháng viêm: Dùng để điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
- Thuốc nội tiết tố: Dùng để bổ sung lượng hormone bị thiếu hụt trong cơ thể.
Can thiệp ngoại khoa
Trong trường hợp bế kinh do sự bất thường của cơ quan sinh dục, người bệnh có thể được tiến hành can thiệp ngoại khoa để phục hồi cơ quan sinh dục.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Dùng để loại bỏ khối u ở tử cung.
- Phẫu thuật mở màng trinh: Dùng để mở màng trinh, tạo đường cho máu kinh thoát ra ngoài.
Dùng thuốc Đông y
Theo Đông y, bế kinh là do can thận suy yếu, khí huyết suy giảm, huyết ứ,… gây nên tình trạng máu kinh không thoát ra được, ứ đọng. Để điều trị bế kinh bằng Đông y, cần sử dụng những bài thuốc tác động vào khí huyết và giúp khí huyết lưu thông. Vì vậy, Đông y sử dụng một số bài thuốc để trị bế kinh như:
- Bài thuốc ích mẫu thang: Ích mẫu, đương quy, hương phụ, thục địa, bạch thược, cam thảo.
- Bài thuốc hoạt huyết điều kinh thang: Đương quy, xuyên khung, xích thược, bạch thược, đào nhân, hồng hoa, cam thảo.
Làm gì để phòng tránh bế kinh
Dưới đây là một số lưu ý giúp chu kỳ kinh nguyệt nhanh chóng trở lại bình thường, kể cả khi chị em đang áp dụng các phương pháp điều trị bế kinh khác:
- Dinh dưỡng đầy đủ: Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và sản xuất hormone bình thường. Chị em nên bổ sung nhiều rau củ quả, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin E, thực phẩm chứa nhiều hoặc hỗ trợ cho hormone estrogen như: ngũ cốc, đu đủ, đậu hũ,… Ngoài ra, chị em cũng nên hạn chế ăn đồ cay nóng.
- Luyện tập thể dục điều độ: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng. Mỗi ngày, chị em nên dành từ 30-60 phút để tập thể dục, các môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga,… là lựa chọn phù hợp.
- Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi: Căng thẳng kéo dài có thể là nguyên nhân gây bế kinh. Chị em cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya và làm việc quá sức. Hãy ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng mỗi ngày.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khô thoáng: Vùng kín sạch sẽ và khô thoáng sẽ giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, là nguyên nhân gây bế kinh. Chị em nên vệ sinh vùng kín ít nhất 2 lần/ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ.
- Khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ ít nhất một năm 2 lần sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý phụ khoa, trong đó có bế kinh.
- Không tự ý mua thuốc trị các bệnh phụ khoa mà không có đơn của bác sĩ: Tự ý mua thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí là nguy hiểm.
⇒ Đọc thêm: Mách bạn cách chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà không phải ai cũng biết
Nếu chị em gặp phải tình trạng bế kinh, chị em nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp. Nếu còn thắc mắc gì cần được giải đáp thêm về tình trạng này, chị em có thể liên hệ với chúng tôi qua số hotline 1800 9229 để được đội ngũ Dược sĩ chuyên môn tư vấn thêm nhé.
Nguồn tham khảo
- BS Ngô Ngọc Diệp. Bế kinh – Bệnh lý phụ khoa thường gặp (2021). Bệnh viện sản nhi tỉnh Lào Cai. Truy cập ngày 26/09/2023.