Xét nghiệm máu từ lâu vẫn là một loại xét nghiệm quan trọng mà mẹ bầu nhất định phải thực hiện. Vậy vì sao phải thực hiện xét nghiệm máu cho mẹ bầu? Và những lưu ý nào mẹ bầu cần quan tâm về xét nghiệm máu? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho mẹ.
Xét nghiệm máu khi mang thai để làm gì?
Xét nghiệm máu cho mẹ bầu là loại kiểm tra cần thiết với cả mẹ và bé. Trong suốt quá trình mang bầu, cả mẹ và bé đều có thể đối mặt với những nguy cơ gặp phải các bệnh lý. Do đó, việc xét nghiệm máu giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá sức khỏe của mẹ và bé. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng giúp sàng lọc các nguy cơ dị tật bẩm sinh ở bé để có thể đưa ra biện pháp kịp thời xử lý. Xét nghiệm máu cho mẹ bầu nên được thực hiện sớm, nhất là ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Đặc biệt một số đối tượng mẹ bầu dưới đây cần thiết phải thực hiện sớm:
- Mẹ bầu mang thai sau tuổi 35.
- Mẹ có tiền sử sảy thai, thai lưu, thai dị tật từ trước.
- Mẹ đã có các kết quả xét nghiệm khác bất thường.
- Mẹ mang thai bằng thụ tinh nhân tạo.
- Mẹ mang đa thai.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh di truyền
Ngoài ra, khi thai kỳ vào tuần thứ 28, khi chuẩn bị sinh, một số bệnh viện cũng yêu cầu thai phụ làm xét nghiệm máu. Các chỉ số bao gồm nhóm máu, khả năng đông máu, bệnh lý về máu,… đều cung cấp thông tin chuẩn bị cho các vấn đề khi sinh con.
>> Xem thêm: Lịch khám thai định kỳ đầy đủ mà phụ nữ mang thai cần ghi nhớ
Xét nghiệm máu nào mẹ bầu cần làm?
Giai đoạn mang thai có sự trao đổi máu giữa mẹ và bé thông qua nhau thai. Do đó, các chỉ số xét nghiệm máu khi mang thai giúp chẩn đoán được sức khỏe của bé. Một số xét nghiệm máu quan trọng mà mẹ nên thực hiện:
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm này nên được thực hiện vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong quá trình mang thai, mẹ phải cung cấp rất nhiều máu cho thai phát triển. Do đó, tình trạng thiếu máu là rất dễ xảy ra. Các chỉ số này giúp chỉ ra các thông tin gồm lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Từ đó, phát hiện được các tình trạng bất thường như thiếu máu, thiếu sắt.
Xét nghiệm nhóm máu, yếu tố Rh
Xét nghiệm xác định nhóm máu là quan trọng để dự phòng trường hợp xấu như mất máu, băng huyết trong khi sinh.
Bên cạnh đó, yếu tố Rh cũng cực kỳ quan trọng. Hầu hết người Việt Nam có yếu tố Rh+. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có yếu tố Rh-, và máu của bé có yếu tố Rh- thì có thể gây ra tương tác và có thể dẫn đến tử vong.
Xét nghiệm tầm soát dị tật
Các xét nghiệm máu sàng lọc bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh thường được sử dụng bao gồm double test, triple test, NIPT,… Các phương pháp này đều sử dụng mẫu máu của mẹ, không xâm lấn. Và xét nghiệm NIPT cho ra kết quả chính xác nhất.
Từ kết quả của các xét nghiệm này, các bác sĩ có thể nắm được sức khỏe của trẻ, nhận biết được nguy cơ trẻ gặp các hội chứng di truyền gen như Down, Klinefelter, Edward, Turner.
Xét nghiệm bệnh lý truyền nhiễm
Xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con. Nếu mẹ mắc các bệnh lý lây nhiễm này, các bác sĩ sẽ đề xuất phương án để tránh tốt nhất việc lây cho con.
- Xét nghiệm virus viêm gan B.
- Vi khuẩn giang mai.
- Xét nghiệm virus HIV.
- Xét nghiệm virus Rubella.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Một số bệnh lý dễ gặp phải trong thời gian mang thai cũng đặc biệt được chú trọng như tiểu đường thai kỳ. Do đó, xét nghiệm chỉ số đường huyết cũng là một loại xét nghiệm quan trọng.
Mẹ bầu cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm máu?
Nhiều mẹ bầu rất thắc mắc liệu xét nghiệm máu có cần phải nhịn ăn trước không. Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, để có kết quả tốt nhất, mẹ nên lấy mẫu máu xét nghiệm vào buổi sáng. Bên cạnh đó, mẹ nên nhịn ăn, không uống nước có gas, sữa, rượu hay chất kích thích,… trong vòng 12 giờ trước khi lấy mẫu máu.
Ngoài xét nghiệm máu, mẹ bầu có thể thực hiện xét nghiệm nào khác?
Ngoài xét nghiệm máu, một số xét nghiệm khác cũng rất có ích trong thai kỳ. Tùy thuộc vào thể trạng từng thai phụ và bé mà bác sĩ có thể khuyến khích mẹ thực hiện các loại xét nghiệm này.
Xét nghiệm nước tiểu
Mẹ bầu sẽ lấy mẫu nước tiểu vào buổi sáng. Trong xét nghiệm này, lượng protein, đường, nitrite,… được đo để xem mẹ có bị nhiễm trùng đường tiểu hoặc tiểu đường thai kỳ không
Xét nghiệm sàng lọc bằng chọc dò nước ối, sinh thiết gai nhau
Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện khi hình ảnh siêu âm thai nhi bất thường, khi mẹ mang thai lớn hơn 35 tuổi, tiền sử bệnh di truyền, tiền sử sinh con dị tật. Trong đó:
- Sinh thiết gai nhau được thực hiện khoảng tuần thai thứ 10 – 12: Xét nghiệm này phân tích các nhiễm sắc thể của tế bào ở màng nhau thai. Các bất thường trong nhiễm sắc thể sẽ là dấu hiệu của bệnh di truyền như Down, Edwards,…
- Chọc dò nước ối được thực hiện ở tuần thai thứ 15 – 18: Bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ nước ối từ thai. Nước ối này chứa các tế bào từ em bé. Phân tích này giúp xác định các phần dị tật ống thần kinh, hội chứng Down,..
Qua bài viết trên đây, chắc hẳn mẹ đã hiểu được tầm quan trọng của xét nghiệm máu cho mẹ bầu và những lưu ý cần thiết. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo
NHS UK – Antenatal checks and tests truy cập ngày 11/11/2022.
Xem thêm: Tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu vào thời điểm nào? Giá bao nhiêu?