Thông thường, mỗi chị em sẽ có đặc điểm, chu kỳ kinh nguyệt khác nhau. Tuy nhiên, có thể vì nguyên nhân nào đó mà chu kỳ kinh có thể rối loạn. Vậy rối loạn kinh nguyệt bao lâu thì khỏi, có cần điều trị không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Thế nào là rối loạn kinh nguyệt?
Một chu kỳ kinh nguyệt thông thường sẽ kéo dài từ 3-5 ngày, lượng máu kinh rơi vào khoảng 50-150ml và khoảng cách giữa hai chu kỳ từ 25-35 ngày. Vì vậy, tình trạng kinh nguyệt xuất hiện quá sớm (trước 24 ngày) hoặc quá dài (hơn 35 ngày), lượng máu kinh quá ít hoặc quá nhiều, chu kỳ kinh quá ngắn hoặc quá dài (ngắn hơn 3 ngày hoặc dài hơn 7 ngày) đều là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, do thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh hoặc do bệnh lý nào đó gây ra. Bệnh có thể gặp ở tất cả các đối tượng phụ nữ, từ bé gái mới dậy thì, phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ tiền mãn kinh. Dù nguyên nhân nào đi nữa, việc để rối loạn kinh nguyệt diễn ra trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chị em khiến nhiều người không khỏi cảm thấy lo lắng vì tình trạng này.
⇒ Xem thêm: Rối loạn kinh nguyệt là gì? Các cách điều trị rối loạn kinh nguyệt phổ biến hiện nay
Bị rối loạn kinh nguyệt bao lâu thì khỏi?
Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi rối loạn kinh nguyệt bao lâu thì khỏi. Việc rối loạn kinh nguyệt kéo dài bao lâu phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người và nguyên nhân gây bệnh.
Có những người, hiện tượng rối loạn chỉ xảy ra trong vòng 1-2 tháng, có những người lại kéo dài đến vài năm, thậm chí nhiều năm nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trong đó, dựa vào nguyên nhân người ta có thể phân loại và đưa ra phương án điều trị cụ thể như:
Rối loạn kinh nguyệt do thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Trong đó, có ba giai đoạn phụ nữ dễ gặp phải tình trạng này nhất là: giai đoạn dậy thì, giai đoạn sau sinh và giai đoạn tiền mãn kinh.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Ở giai đoạn này, cơ quan sinh sản của bé gái chưa thực sự phát triển toàn diện. Hệ thống trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng đang trong quá trình hoàn thiện nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường. Bé gái có thể bị chậm kinh hoặc kinh đến sớm hơn thông thường, lượng máu kinh cũng có thể ít hoặc nhiều bất thường.
Với trường hợp này, bé gái không cần quá lo lắng về tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bản thân. Sau khoảng 2-3 năm kể từ khi bắt đầu có kinh, khi cơ thể dần phát triển và hoàn thiện, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sẽ biến mất.
Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh
Sau khi sinh con, phụ nữ thường bị mất kinh do hormone prolactin tiết ra ức chế hoạt động tiết estrogen của cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này là hoàn toàn bình thường, chị em thường có kinh trở lại sau 4-8 tuần sau sinh.
Với trường hợp mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, lượng prolactin cũng được tiết ra trong thời gian dài hơn nên chị em có thể thấy lâu có kinh hơn, có thể từ 6 tháng đến 1 năm sau khi sinh. Do đó, chị em không cần quá lo lắng về tình trạng này và chỉ cần sinh hoạt, ăn uống điều độ thì kinh nguyệt sẽ dần trở lại.
Rối loạn kinh nguyệt giai đoạn tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh thật sự. Phụ nữ bước sang tuổi 45 thường bắt đầu có các dấu hiệu của tiền mãn kinh như mệt mỏi, bốc hỏa, dễ cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt. Đây là giai đoạn khi chức năng của buồng trứng, tử cung, nồng độ hormon dần suy giảm gây ra những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây cũng là hiện tượng tự nhiên của cơ thể và không thể tránh khỏi, chị em chỉ có thể cải thiện bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, bổ sung các sản phẩm bổ trợ cho cơ thể.
Rối loạn kinh nguyệt do yếu tố bên ngoài tác động
Có nhiều nguyên nhân bên ngoài có thể gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới như:
- Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, không khoa học, giảm cân quá mức.
- Chế độ sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên ngủ muộn, thiếu ngủ.
- Lạm dụng thuốc tránh thai.
Đây là những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt của chị em hiện nay. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn, 1-2 tháng hoặc cũng có thể kéo dài trong nhiều năm.
Với trường hợp này, việc cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt phụ thuộc nhiều vào việc chị em có thay đổi lối sống, sinh hoạt hay không. Nếu chị em duy trì những thói quen lành mạnh, ăn uống ngủ nghỉ khoa học thì chỉ sau 1-2 tháng, tình trạng rối loạn sẽ biến mất.
Rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý
Đôi khi, rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang, viêm tử cung,…
Chị em có thể gặp phải một số dấu hiệu như vô kinh, mất kinh, kinh thưa dần, máu kinh ra nhiều, rong kinh,…. kèm theo những cơn đau quặn thắt khi đến tháng. Trong trường hợp này, chị em nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị dứt điểm các triệu chứng của bệnh. Khi được điều trị khỏi, tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bạn cũng sẽ biến mất.
Khi nào cần điều trị rối loạn kinh nguyệt
Như đã nhắc đến, rối loạn kinh nguyệt có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, việc điều hòa kinh nguyệt cũng có sự khác biệt giữa các đối tượng. Trong trường hợp chị em bị rối loạn do bệnh lý phụ khoa, chị em cần đi khám để được xác định chính xác nguyên nhân và điều trị bằng biện pháp thích hợp.
Trong trường hợp nguyên nhân gây rối loạn không do bệnh lý mà do các yếu tố khác như: thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, thói quen sinh hoạt không điều độ, stress kéo dài, chị em có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Thay đổi lối sống, lối sinh hoạt. Nên hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc. Tránh làm việc quá sức, stress trong thời gian dài.
- Ăn uống khoa học, hợp lý. Bổ sung thêm rau xanh, hoa quả đậm màu, cá biển, trứng, ngũ cốc,… vào chế độ ăn uống. Tránh tình trạng nhịn ăn để giảm cân quá mức.
- Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày bằng cách chạy bộ, đi bộ, đánh cầu, bơi lội, tập yoga…
- Sử dụng thảo dược hoặc các sản phẩm từ thảo dược có tác dụng bổ huyết điều kinh, tăng cường lưu thông khí huyết, giảm đau bụng kinh, giảm rối loạn kinh nguyệt.
- Nên đi thăm khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ các bệnh lý bất thường.
- Với trường hợp rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý, cần điều trị triệt để nguyên nhân. Chỉ cần điều trị khỏi bệnh, tình trạng rối loạn của chị em cũng tự hết.
⇒ Xem thêm: Chế độ ăn điều hòa kinh nguyệt không phải ai cũng biết
Như vậy, có thể nói không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi rối loạn kinh nguyệt bao lâu thì khỏi. Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn. Chị em có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt và nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời. Nếu còn thắc mắc gì, chị em có thể liên hệ với chúng tôi qua số hotline 1800 9229 để được đội ngũ chuyên gia giải đáp thêm.
Nguồn tham khảo
Anita Ramesh (2022). Menstrual Disorders. Medindia. Truy cập ngày 03/07/2023.