Lá hẹ được biết đến như một phương pháp chữa ho tự nhiên hiệu quả và phổ biến trong y học dân gian. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tác dụng của lá hẹ trong việc trị ho và cách sử dụng lá hẹ trị ho một cách hiệu quả tại nhà.
Lá hẹ trị ho có tốt không?
Lá hẹ không chỉ đơn thuần là một loại gia vị sử dụng trong nấu ăn để làm tăng hương vị của các món ăn, mà nó còn được coi là một “thần dược” với khả năng chữa trị bệnh hiệu quả.
Theo đông y, lá hẹ có tính nhiệt, tiêu đờm, kháng khuẩn, bổ phí và khi nấu chín có vị cay, ngọt, không chứa độc đem đến công dụng hiệu quả cho quá trình trị ho, ho khan, ho có đờm, hen suyễn … và các bệnh đường ruột.
Đặc biệt, lá hẹ còn chứa các hoạt chất có công dụng như kháng sinh tự nhiên đáng chú ý gồm Allicin, Sulfit và Odorin. Những chất này giúp lá hẹ có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong hệ hô hấp, tiêu hóa và cải thiện triệu chứng ho, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Mách bạn 8 cách sử dụng lá hẹ trị ho hiệu quả tại nhà
Với khả năng làm dịu triệu chứng ho và hỗ trợ hệ hô hấp, lá hẹ đã trở thành lựa chọn phổ biến cho việc điều trị ho tại nhà. Dưới đây là 8 cách sử dụng lá hẹ trị ho đơn giản, dễ thực hiện bạn có thể áp dụng:
Nước lá hẹ tươi
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi không sâu bệnh.
Cách thực hiện:
Bước 1: Lá hẹ đem rửa sạch và ngâm trong nước muối loãng 15 phút sau đó vớt để ráo nước.
Bước 2: Khi lá hẹ đã ráo nước, đem đi cắt nhỏ và xay nhuyễn hoặc dùng máy ép sinh tố ép lấy nước uống.
Bước 3: Đối với lá hẹ xay nhuyễn bạn có thể thêm một 1 nước ấm khuấy đều.
Bạn có thể làm với lượng lá hẹ nhiều đủ dùng trong ngày và cất tủ lạnh chia làm 2 – 3 lần sử dụng giúp làm dịu cổ họng, giảm ho và cung cấp chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Lá hẹ hấp mật ong giúp chữa ho
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Mật ong nguyên chất và lá hẹ tươi.
Cách thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch và ngâm lá hẹ trong nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Cắt lá hẹ thành từng khúc nhỏ dài khoảng 2cm.
Bước 3: Cho lá hẹ và mật ong vào bát con đem hấp cách thủy trong vòng 10 – 15 phút.
Liều dùng: uống ngày 4 – 5 lần để dịu cơn ho, đối với:
- Trẻ em 3 -5ml/ lần;
- Người lớn 10ml/ lần
Lưu ý: Không nên sử dụng mật ong cho trẻ sơ sinh, đặc biệt đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Lá hẹ hấp đường phèn chữa ho hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi 100g, đường phèn 3 muỗng cafe.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế làm sạch và cắt khúc lá hẹ như phương pháp trên.
Bước 2: Đập nhỏ đường phèn.
Bước 3: Cho lá hẹ vào bát sành rồi rải đường phèn đã giã nát lên trên mặt.
Bước 4: Đem hấp cách thủy trong vòng 10 phút, rồi tắt bếp để nguội có thể cất trong tủ lạnh bảo quản sử dụng trong ngày.
Liều dùng: Trẻ em mỗi lần 5ml x 2 lần/ ngày, người lớn mỗi lần 10ml x 2 lần/ ngày.
⇒ Bạn đọc có thể tham khảo thêm: Cách làm lê hấp đường phèn trị ho tại nhà hiệu quả
Lá hẹ hấp gừng trị ho hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi, 1 củ gừng tươi, 3- 4 viên đường phèn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Lá hẹ rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi để ráo nước.
Bước 2: Gừng rửa sạch, cạo bỏ vỏ.
Bước 3: Đường phèn đập nhỏ.
Bước 4: Cho hỗn hợp nguyên liệu vào bát trộn đều rồi hấp cách thủy trong vòng 10 phút.
Bước 5: Tắt bếp, để nguội ấm và sử dụng.
Liều dùng: Ngày dùng 1 lần, ăn cả lá hẹ và gừng trong hỗn hợp sau khi hấp sẽ đem đến hiệu quả điều trị ho hiệu quả hơn.
Lá hẹ trị ho kết hợp nghệ và chanh
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi 10 gam, củ nghệ 20 gam, chanh 1 quả và đường phèn 3 – 4 viên.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế lá hẹ như các nước trên.
Bước 2: Nghệ rửa sạch đem nướng chín, cạo vỏ và giã nát trong cối.
Bước 3: Chanh rửa sạch vỏ rồi đem cắt lát mỏng.
Bước 4: Đường phèn đập nhỏ.
Bước 5: Cho tất cả nguyên liệu vào 1 cái bát sứ rồi đem hấp cách thủy trong vòng 10 – 15 phút.
Bước 6: Tắt bếp, để nguội cất tủ lạnh bảo quản dùng trong ngày.
Liều dùng: Ngày uống 2 lần, sử dụng cho đến khi triệu chứng ho khỏi hẳn.
Lá hẹ, hoa đu đủ đực và hạt chanh trị ho hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi 15 gam, hoa đu đủ đực 15 gam, hạt chanh 10 gam.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế và rửa sạch nguyên liệu rồi xay nhuyễn với một chút nước.
Bước 2: Cho thêm vào hỗn hợp một chút đường phèn hoặc mật ong.
Bước 3: Khuấy đều rồi đem hấp chín.
Bước 4: Tắt bếp, để nguội cất tủ lạnh dùng dần trong ngày.
Liều dùng: Ngày uống 10ml x 3 lần/ ngày. Kiên trì sử dụng trong vài ngày giúp cho giảm ho, loãng đờm hiệu quả.
Cháo lá hẹ trị ho cho bé
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá hẹ tươi 100 gam, gạo tẻ 50 gam.
Cách thực hiện:
Bước 1: Gạo rửa sạch, ngâm qua đêm để cháo được mềm nhuyễn, thơm ngon.
Bước 2: Lá hẹ đem rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi cắt khúc nhỏ.
Bước 3: Cho gạo vào nồi nấu chín.
Bước 4: Khi cháo đã chín, bạn hãy nêm thêm gia vị sao cho vừa miệng rồi thả lá hẹ vào đun thêm 2 phút nữa trước khi tắt bếp.
Bước 5: Cho cháo ra bát, để nguội đủ ấm là bạn đã có một bát cháo thơm ngon giúp giảm đau họng, dịu cơn ho cũng như tăng cường dinh dưỡng cho bé nhanh hồi phục.
Đắp lá hẹ trị ho
Nguyên liệu: Lá hẹ tươi.
Cách thực hiện:
Bước 1: Lá hẹ sau khi rửa sạch, bạn hơ lá hẹ trên bếp hoặc sao kho vàng.
Bước 2: Bọc lá hẹ đã hơ nóng vào chiếc khăn mỏng và kiểm tra chắc chắn lá hẹ không quá nóng trước khi đặt lên cổ để tránh gây bỏng.
Bước 3: Khi lá hẹ nguội không còn nóng, bạn tiếp tục thực hiện hơ nóng lại.
Bước 4: Ngày thực hiện 2 đến 3 lần, mỗi lần thực hiện trong vòng 15 phút,
Phương pháp đắp lá hẹ trị ho này phù hợp cho những bệnh nhân có triệu chứng ho nhiều đờm, sưng và đau nhiều ở cổ họng.
Trị ho bằng lá hẹ cho trẻ sơ sinh có an toàn không?
Các chuyên gia khuyến cáo phương pháp chữa ho bằng lá hẹ chỉ nên thực hiện đối với trẻ trên 6 tháng tuổi. Do hệ miễn dịch của trẻ lúc này non yếu và chưa đủ khả năng xử lý các tạp chất có trong lá hẹ, việc sử dụng lá hẹ có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm như buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Ngoài ra, đối với trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ không nên kết hợp lá hẹ với mật ong để chữa ho cho trẻ.
Lá hẹ trị ho cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Lá hẹ là một phương pháp chữa ho khá an toàn và lành tính. Tuy nhiên, việc sử dụng lá hẹ để trị ho trong thời kỳ mang thai chưa có nghiên cứu cụ thể chính xác liệu có ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe của mẹ không. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn các giải pháp giảm ho an toàn từ các thảo dược thiên nhiên khác.
⇒ Bạn đọc có thể xem thêm: Cách trị ho ngứa cổ cho bà bầu không cần dùng kháng sinh.
Những lưu ý khi sử dụng lá hẹ trị ho
Để đem đến hiệu quả cao và đảm bảo an toàn khi sử dụng lá hẹ trị ho, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Lá hẹ chỉ hiệu quả đối với những triệu chứng ho nhẹ vừa khởi phát.
- Lá hẹ có tính nhiệt cay, nóng vì vậy hạn chế không nên lạm dụng đặc biệt đối với bệnh nhân bị viêm loét và đau dạ dày.
- Lá hẹ chứa nhiều chất xơ, do vậy nếu ăn nhiều quá có thể gây khó chịu trong bụng.
- Không sử dụng lá hẹ nếu bạn có tiền sử dị ứng với hành tây hay hành lá.
- Hiệu quả điều trị nhanh chậm tùy thuộc vào cơ địa từng người.
Đặc biệt lưu ý, nếu trong quá trình sử dụng lá hẹ trị ho mà triệu chứng ho, đau họng, đờm đặc không thuyên giảm, bạn cần ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số hotline 1800 9229 (miễn cước phí) để được các Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn.
Tài liệu tham khảo
Tác giả Dany Paul Baby, MD (2022). Health Benefits of Chives, webmd. Truy cập ngày 14/06/2023.