Khám thai định kỳ được khuyến cáo đối với tất cả thai phụ. Thông qua việc khám thai định kỳ bà bầu có thể biết được sự phát triển của thai nhi, nhanh chóng phát hiện ra các bất thường trong thai kỳ và xử lý kịp thời. Vậy bà bầu cần khám thai bao nhiêu lần trong suốt thai kỳ? Bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn đọc về lịch khám thai định kỳ theo hướng dẫn của các chuyên gia sản khoa.
Tầm quan trọng của khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ là một phần không thể thiếu trong thai kỳ. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bà bầu và điều kiện kinh tế sẽ có số lần khám thai khác nhau. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong suốt thai kỳ bà bầu nên khám định kỳ ít nhất 4 lần. Trong đó bao gồm 1 lần trong tam cá nguyệt đầu, 1 lần trong tam cá nguyệt thứ 2 và 2 lần trong tam cá nguyệt cuối. Để đầy đủ hơn, mẹ bầu nên khám từ 8 – 11 lần trong thai kỳ.
Việc khám thai định kỳ mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Cụ thể:
- Giúp bác sĩ và mẹ bầu nắm rõ về tình hình phát triển của thai nhi. Thai nhi có đủ cân hay không, có phát triển bình thường hay không. Thông qua những lần khám này, bác sĩ sẽ lên kế hoạch để chế độ dinh dưỡng để mẹ khỏe, bé phát triển tốt.
- Kịp thời phát hiện những bất thường thai nhi, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sau khi sinh. Người ta đã nhận thấy rằng, tỷ lệ trẻ tử vong sau sinh ở mẹ khám thai định kỳ đầy đủ giảm 5 lần so với những mẹ không khám thai.
- Một số xét nghiệm chỉ chính xác trong một thời gian nhất định vì vậy việc khám thai định kỳ là cần thiết.
Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu 3 tháng đầu
3 tháng đầu của thai kỳ là thời điểm diễn ra lần khám thai đầu để xác định xem liệu rằng bạn có đang mang thai hay không. Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu 3 tháng đầu như sau:
Lần khám thai đầu tiên (tuần 5-8 của thai kỳ)
Khám thai lần đầu tiên được tiến hành vào tuần thứ 5 – 8 của thai kỳ, ở giai đoạn này rất quan trọng để thực hiện một số việc sau:
- Xác định chính xác là bạn thật sự mang thai hay chưa.
- Kiểm tra xem vị trí làm tổ của phôi thai có thuận lợi không, thông thường phôi thai phải nằm trong lòng tử cung mới an toàn. Nếu phôi thai nằm ngoài tử cung sẽ gây biến chứng cho cả mẹ và bé, trường hợp phát hiện phôi thai nằm ngoài tử cung sẽ được bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ.
- Siêu âm xem thử phôi thai đã có tim thai chưa và đo nhịp tim, mẹ có thể nghe tiếng tim thai đập vào lúc này.
- Kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính xem chỉ số BMI nằm ở khoảng nào, nếu mẹ bầu rơi vào trường hợp bị béo phì thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng để tránh gây ra các biến chứng về sau.
- Đo huyết áp xem thử bà bầu có thuộc đối tượng huyết áp cao không, nếu có huyết áp cao thì dễ có nguy cơ mẹ bầu bị tiền sản giật. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp dự phòng cho bà bầu càng sớm càng tốt.
- Tiến hành một số xét nghiệm máu, chẩn đoán một số bệnh của mẹ mục đích dự phòng lây truyền sang con kịp thời.
- Bác sĩ đưa ra một số lời khuyên về thực đơn ăn uống nên ăn và nên tránh hoặc chỉ định sử dụng một số loại thuốc như axit folic ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Ngoài ra xem xét một số loại thuốc mà mẹ đang sử dụng, bác sĩ đưa ra chỉ định ngừng một số loại thuốc nào đó.
- Đặc biệt đây là thời điểm quan trọng để các bác sĩ chuyên khoa dự đoán chính xác nhất ngày dự sinh. Ngoài ra ngày dự sinh còn được tính theo ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
Lần khám thai thứ 2 (tuần 11 -13 của thai kỳ)
Khi bà bầu đi thăm khám lần này sẽ được cũng đo các chỉ số cơ bản như cân nặng, chiều cao, huyết áp. Đây là thời điểm vàng để bác sĩ kiểm tra, đánh giá chính xác nhất về nguy cơ thai nhi có bị một số rối loạn nhiễm sắc thể hay không.
Thực hiện xét nghiệm Double test kết hợp siêu âm để đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có bị Down, Trisomy 13 và Trisomy 18 không. Nếu kết quả xét nghiệm có nguy cơ cao thì bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm sinh thiết gai nhau có xâm lấn, tuy nhiên mẹ bầu không nên quá lo lắng vì bác sĩ đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ cho thai nhi trước khi đưa ra quyết định.
Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu 3 tháng giữa
Ở 3 tháng giữa thai kỳ có 2 mốc khám thai chính:
Lần khám thai thứ 3 (tuần 16 – 22 của thai kỳ)
Ở lần khám thai thứ 3, ngoài việc đo các thông số cơ bản cho mẹ và siêu âm rà soát nguy cơ dị tật cho bé thì ở giai đoạn này rất cần thiết cho những mẹ bầu đã bỏ qua lần khám thai thứ 2.
Mẹ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Tripple test hoặc làm xét nghiệm NIPT để đánh giá nguy cơ mắc Down, Trisomy.
Lần khám thai thứ 4 (tuần 22 – 28 của thai kỳ)
Lần khám thai thứ 4 cũng tương tự như các lần khám thường quy khác: đo lường các chỉ số của mẹ và thai nhi, đánh giá độ dài cổ tử cung có trong mức bình thường không. Từ tuần 20 trở đi nên tiêm phòng uốn ván mũi 1.
Ngoài ra, ở giai đoạn này cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
===>>> Xem thêm: Khám sàng lọc trước sinh và những điều mẹ bầu cần biết
Lịch khám thai định kỳ cho bà bầu 3 tháng cuối
Giai đoạn 3 tháng cuối là thời điểm mà mẹ bầu cần khám thai định kỳ nhiều nhất. Trong đó vào tháng thứ 7,8 mỗi tháng nên khám thai 1 lần, tháng thứ 9 cách 2 tuần mẹ nên khám thai 1 lần.
Lần khám thai thứ 5 (tuần 28 – 32 của thai kỳ)
Lần khám thai thứ 5, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm sau:
- Thực hiện đo lường, đánh giá các thông số của mẹ như cân nặng, huyết áp, nước tiểu, huyết cầu…
- Xét nghiệm máu nếu bà bầu thuộc nhóm máu Rh(-), sẽ được tiêm kháng thể lần 1.
- Siêu âm kiểm tra hình thái thai nhi, đo nhịp tim, đếm cử động thai nhi và đánh giá lượng nước ối.
Lần khám thai thứ 6 (tuần 32 – 34 của thai kỳ)
Những kiểm tra trong lần khám thai thứ 6:
- Kiểm tra huyết áp, cân nặng, nước tiểu… cho mẹ.
- Siêu âm hình thái thai nhi, kiểm tra tim, chuyển động thai nhi và đánh giá lượng nước ối.
Lần khám thai thứ 7 (tuần 34 – 36 thai kỳ)
Lần thăm khám thứ 7 được thực hiện một số bước cơ bản như ở lần khám thứ 6. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể được bác sĩ khoa sản chỉ định:
- Lấy dịch âm đạo để kiểm tra liên cầu khuẩn nhóm B.
- Nếu mẹ bầu là đối tượng có nhóm máu Rh(-) cần tiêm kháng thể lần thứ 2.
Lần khám thai thứ 8 – 10 (tuần 36 – 39)
Đây là giai đoạn rất quan trọng, bắt đầu từ tuần 36 trở đi mẹ bầu cần đi khám thường xuyên 1 lần/ 2 tuần. Các lần khám thai này đều được các bác sĩ thực hiện thăm khám sau đây:
- Đo cân nặng, đo vòng bắp chân, đo vòng bụng để chẩn đoán xem mẹ bầu có bị phù hay không.
- Đo huyết áp xem mẹ có bị tăng huyết áp thai kỳ không.
- Thực hiện đo nhịp tim, ngôi thai có thuận không và cử động thai nhi EFM xem có bất thường gì không
- Kiểm tra lượng nước ối có bình thường không.
- Kiểm tra độ giãn và mềm của tử cung có thuận lợi để sinh thường không.
- Nếu một trong những điều trên không bình thường thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ ở tuần đó để tránh nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé.
===>>> Xem thêm: Tổng hợp các xét nghiệm trong thai kỳ – Bà bầu không nên bỏ qua
Lần khám thai thứ 11 (ngoài tuần 39)
Ở giai đoạn này, mẹ bầu được thăm khám để chuẩn bị cho hành trình vượt cạn. Bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ thăm khám tử cung có mềm và giãn chưa. Nếu mở rồi, tiếp theo sẽ thăm khám mở bao nhiêu và có cần tiêm thuốc kích sinh không. Khi tử cung mở hoàn toàn, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh hướng dẫn cho mẹ bầu thực hiện động tác rặn đẻ dưới sự giúp đỡ của họ
Chú ý khi mẹ bầu có dấu hiệu sắp sinh như vỡ nước ối, bong nút nhầy bạn cần đến ngay bệnh viện để đón em bé của bạn chào đời.
Bài viết trên đây đã tổng hợp đầy đủ những thông tin bổ ích về lịch khám thai định kỳ. Các mẹ bầu cần tham khảo để sắp xếp thời gian đến thăm khám đầy đủ theo lịch. Nếu có bất kỳ thắc mắc xin vui lòng để lại thông tin cá nhân hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài miễn cước 18009229 để được giải đáp.
Nguồn tham khảo
Bộ Y tế (2017), Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Truy cập ngày 29/06/2022.