Estrogen là hormone quan trọng trong cơ thể phụ nữ, có vai trò trong nhiều khía cạnh của sức khỏe và sự phát triển nữ giới. Vậy cụ thể, tác dụng của hormone này là gì? Cùng tìm hiểu với Dược Tín Phong qua bài viết dưới đây nhé.
Hormon estrogen là gì?
Estrogen là một loại hormone steroid được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng của phụ nữ. Nó cũng được sản xuất ở một mức độ thấp hơn bởi tuyến thượng thận và nhau thai. Estrogen giúp định hình giới tính phái nữ, thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan sinh sản, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và sinh con. Estrogen cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe xương, tim mạch, não bộ, da, tóc,…
Nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời.
- Tuổi dậy thì: Nồng độ estrogen tăng cao, kích thích sự phát triển của các đặc điểm giới tính thứ cấp như mọc lông mu, nở ngực,…
- Tuổi trưởng thành: Nồng độ estrogen ổn định ở mức cao, duy trì sức khỏe và sự sinh sản của phụ nữ.
- Mãn kinh: Nồng độ estrogen giảm mạnh dẫn đến nhiều thay đổi trong cơ thể phụ nữ như bốc hỏa, khô âm đạo,…
Có mấy loại estrogen?
Thực tế, có ba loại estrogen chính:
- Estrone (E1): Được sản xuất chủ yếu ở các mô cơ thể, bao gồm chất béo và cơ bắp. Estrone có thể được chuyển đổi thành estradiol và ngược lại.
- Estradiol (E2): Là loại estrogen mạnh nhất, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng. Estradiol đóng vai trò quan trọng trong sinh sản, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, chuẩn bị tử cung cho quá trình thụ thai và duy trì thai kỳ. Estradiol cũng có tác dụng bảo vệ xương, tim mạch, não bộ, da, tóc và sức khỏe đường tiết niệu.
- Estriol (E3): Được sản xuất chủ yếu ở nhau thai trong thời kỳ mang thai. Estriol giúp duy trì thai kỳ và phát triển thai nhi.
Vai trò của estrogen với cơ thể phụ nữ
Có thể nói, estrogen chính là một trong những hormon quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển các đặc điểm của nữ giới. Vai trò của hormone này có thể kể đến như:
Tác động sinh lý
Estrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản của phụ nữ, bao gồm:
- Tạo kinh nguyệt đều đặn hàng tháng: Estrogen kích thích sự phát triển của nang trứng, khi nang trứng vỡ sẽ giải phóng trứng ra ngoài tử cung.
- Kích thích ham muốn tình dục: Giúp tăng lưu lượng máu đến vùng sinh dục, kích thích cơ quan sinh dục hoạt động và tăng cường ham muốn tình dục.
- Phát triển nang trứng: Giúp các nang trứng trong buồng trứng phát triển và trưởng thành.
- Bôi trơn âm đạo: Estrogen giúp âm đạo tiết ra chất nhầy bôi trơn, giúp quá trình quan hệ tình dục diễn ra thuận lợi hơn.
- Phát triển ngực: Estrogen giúp các mô vú phát triển và tăng kích thước.
- Tiết sữa: Estrogen giúp các tuyến sữa phát triển và sản xuất sữa.
Tác động đến ngoại hình
Ngoài việc tác động đến các yếu tố sinh lý, estrogen còn giúp phụ nữ khác biệt về hình thể so với cánh đàn ông, giúp duy trì sắc đẹp và sự hấp dẫn. Đến tuổi dậy thì, nồng độ estrogen bên trong thay đổi tác động ra bên ngoài cơ thể nữ giới, thường thấy qua các điểm sau:
- Mụn trứng cá: Estrogen có tác dụng ức chế quá trình sản xuất chất nhờn trên các tuyến da, vì vậy khi nồng độ estrogen giảm xuống, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, dẫn đến tình trạng mụn trứng cá.
- Tóc và lông: Estrogen giúp tóc dài và mượt, lông trên cơ thể mềm và mỏng hơn ở nam giới.
- Vóc dáng: Estrogen giúp xương nhỏ và ngắn hơn, xương chậu rộng hơn, tạo nên dáng người thon thả, vòng eo nhỏ và đường cong quyến rũ.
- Giọng nói: Estrogen làm giảm kích thước thanh quản, tạo ra giọng nói cao và thanh hơn ở phụ nữ.
Tác dụng đối với sức khỏe
Ngoài tác động đến ngoại hình, estrogen còn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của phụ nữ, bao gồm:
- Da: Estrogen giúp tăng độ đàn hồi, hạn chế hiện tượng đứt gãy collagen, giúp da căng mịn, ngăn ngừa lão hóa.
- Xương: Giúp gắn kết canxi vào khung xương, giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương.
- Gan: Estrogen giúp tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, duy trì cân bằng nội môi và chống lại các bệnh gan mạn tính.
- Tim: Estrogen giúp cơ quan tim mạch hoạt động nhịp nhàng, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt xơ vữa động mạch.
- Não: Giúp trung hòa các gốc tự do, duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, tăng khả năng tập trung và kích thích phần não liên quan đến sự phát triển tình dục.
Bất thường nồng độ estrogen có nguy hiểm không?
Nồng độ estrogen thấp hoặc cao đều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe phụ nữ. Nồng độ estrogen thấp có thể gây ra các vấn đề như:
- Giảm ham muốn tình dục: Estrogen có tác dụng kích thích ham muốn tình dục ở phụ nữ. Khi nồng độ estrogen thấp, phụ nữ có thể cảm thấy giảm ham muốn tình dục, khó đạt cực khoái.
- Khô âm đạo: Estrogen giúp duy trì độ ẩm và đàn hồi của âm đạo. Vì vậy, việc giảm nồng độ estrogen có thể khiến âm đạo bị khô, ngứa, đau rát khi quan hệ tình dục, tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
- Loãng xương: Estrogen giúp gắn kết canxi vào xương, giúp xương chắc khỏe. Khi nồng độ estrogen thấp, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
- Thay đổi tâm trạng: Việc suy giảm nồng độ estrogen có thể khiến phụ nữ cảm thấy dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm.
- Rối loạn kinh nguyệt: Nồng độ estrogen thấp có thể gây ra các rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như kinh thưa, vô kinh…
⇒ Đọc thêm: Rối loạn kinh nguyệt là gì? Các cách điều trị rối loạn kinh nguyệt phổ biến hiện nay
Nồng độ estrogen cao có thể gây ra các vấn đề sau:
- U xơ tử cung: U xơ tử cung là những khối u lành tính phát triển từ mô cơ tử cung. Estrogen có thể kích thích sự phát triển của u xơ tử cung.
- Ung thư vú: Estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Nồng độ estrogen cao có thể gây ra các rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như kinh nguyệt nhiều, kinh nguyệt ra kéo dài, rong kinh,…
- Tăng cân: Estrogen có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến tăng cân.
- Thay đổi tâm trạng: Estrogen có tác dụng điều hòa tâm trạng. Khi nồng độ estrogen cao, phụ nữ có thể cảm thấy dễ cáu gắt, lo lắng, căng thẳng.
⇒ Đọc thêm: Bổ huyết điều kinh: Lựa chọn vị thuốc hiệu quả
Estrogen là một hormone quan trọng đối với sức khỏe phụ nữ. Việc hiểu rõ về vai trò của estrogen trong cơ thể giúp chị em chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Nếu nhận thấy các dấu hiệu sinh lý bất thường mà chúng tôi đã nhắc tới, chị em nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu còn thắc mắc gì cần được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline (miễn cước) 1800 9229 để được tư vấn thêm nhé.
Nguồn tham khảo
Hannah Nichols. Everything you need to know about estrogen (2023). Medicalnewstoday. Truy cập ngày 08/11/2023.