Tháng thứ 9 là thời điểm bé đã phát triển toàn diện và mẹ bầu chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển dạ. Trong giai đoạn này, chế độ ăn uống và sinh hoạt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bạn và thai nhi. Do đó dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 9 thật tốt cũng rất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn đọc các nguyên tắc cũng như những thực phẩm nên và không nên ăn trong giai đoạn tháng thứ 9 thai kỳ.
Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 9
Dinh dưỡng là chìa khóa để mẹ và bé có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Thói quen ăn uống điều độ không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ bầu mà còn đảm bảo cho thai nhi. Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào mẹ hoàn toàn. Thông qua nhau thai, thai nhi sẽ nhận được chất dinh dưỡng từ mẹ bầu.
Mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những nhu cầu về dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, cần có nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho từng tháng khác nhau. Sau đây là các nguyên tắc bạn cần thực hiện để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho tháng thứ 9 thai kỳ:
- Trong giai đoạn này, bạn cần chấp nhận rằng thai nhi phát triển nhanh có thể gây cho mẹ cảm giác khó chịu, giảm thèm ăn. Tuy nhiên, bạn không được thực hiện chế độ ăn kiêng, thay vào đó bạn cần phải bổ sung nhiều thực phẩm chứa protein, calo (để cung cấp năng lượng), vitamin và khoáng chất như axit folic và sắt.
- Tránh xa những thực phẩm gây ảnh hưởng cho quá trình phát triển và tăng trưởng thai nhi.
- Uống đủ nước: bạn nên uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Thực tế trong thời kỳ mang thai cơ thể bạn chiếm 33% là chất lỏng, nó cần thiết để xây dựng tế bào hồng cầu, ngăn ngừa táo bón và kiểm soát nhiệt độ của cơ thể.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ giúp bạn ngăn ngừa táo bón khi mang thai.
Thực phẩm nào cần bổ sung trong tháng thứ 9 thai kỳ?
Bạn cần tiếp tục bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng như ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Nhưng ở giai đoạn tháng thứ 9 bạn cần bổ sung nhiều hơn nữa vì cân nặng của thai nhi đang tăng nhanh. Dưới đây là danh sách thực phẩm tốt cho bà bầu bạn cần bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 9:
- Thực phẩm giàu chất xơ: Bao gồm rau tươi, trái cây, yến mạch, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt giúp mẹ giảm táo bón, ợ chua.
- Thực phẩm giàu canxi: Cung cấp thực phẩm giàu canxi là điều quan trọng trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Thai nhi cần bổ sung canxi để phát triển xương chắc khỏe sẵn sàng chào đời khỏe mạnh, cứng cáp. Ngoài ra ở giai đoạn này, thai nhi lớn nhanh chèn ép xương chậu và cột sống làm cho mẹ đau lưng, mẹ cần canxi để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn dễ dàng hơn. Những thực phẩm giàu canxi thường có trong phô mai, sữa chua, đậu lăng, hạnh nhân, rau xanh.
- Thực phẩm giàu chất sắt: Thiếu sắt là một vấn đề lớn mà phụ nữ phải đối mặt trong tam cá nguyệt thứ ba. Cần cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể để giảm các biến chứng sản khoa trong đó có hiện tượng băng huyết sau sinh. Sắt có nhiều trong nho khô, bông cải xanh, thịt gà, đậu Hà Lan, quả mọng, trứng, cá.
- Thực phẩm chứa vitamin C: Các thực phẩm như cà chua, súp lơ, dâu tây, bông cải xanh, ớt chuông và cam. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nhiều vitamin C mà còn rất tốt cho làn da của bạn, giúp bạn phục hồi tốt các vấn đề về da sau khi sinh.
- Thực phẩm giàu axit folic: Axit folic rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ đặc biệt là sự phát triển trí não và cột sống. Nếu bạn không bổ sung axit folic, hãy thêm các loại thực phẩm như đậu, rau lá xanh và đậu xanh vào bữa ăn của bạn.
- Thực phẩm chứa vitamin A: Vitamin A cần thiết cho sự phát triển mắt của bé và giúp bạn giảm các nguy cơ mắc các bệnh về mắt sau sinh. Thực phẩm như khoai lang, cà rốt và rau bina chứa nhiều Vitamin A.
===>>> Xem thêm :[CẨM NANG LÀM MẸ] Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tuần
Thực phẩm nào nên tránh trong tháng thứ 9 thai kỳ?
Ở mỗi giai đoạn thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi có sự khác nhau. Để em bé chào đời khỏe mạnh, trong chế độ ăn mẹ cần tránh các loại thực phẩm sau đây:
- Caffeine: Caffeine gây nguy hiểm cho thai nhi nếu bạn tiêu thụ quá 200 mg một ngày. Khi vượt quá ngưỡng cho phép, caffeine vượt qua hàng rào nhau thai vào thai nhi, dẫn đến thai nhi chậm phát triển và cân nặng không đạt chuẩn khi sinh.
- Rượu: Tránh uống rượu trong suốt thai kỳ, vì rượu có thể qua hàng rào nhau thai và gây ra một số tác hại cho thai nhi như chậm phát triển trí tuệ, sinh non và ảnh hưởng lâu dài về sau.
- Phô mai chưa tiệt trùng: Phô mai chưa được khử trùng có thể dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn listeriotic ,đây là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm cho thai nhi.
- Thuốc lá: Trong khói thuốc lá có chứa nicotin và các chất độc hại khác, khi mẹ hút trực tiếp hoặc hít phải khói thuốc lá sẽ đi vào phổi và đến thai nhi qua đường máu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Cá có hàm lượng thủy ngân cao: Một số loại cá như cá mập, cá cờ và cá kiếm có chứa một lượng thủy ngân cao gây ra biến chứng đối với hệ thần kinh và não bộ của thai nhi.
- Thịt, cá, trứng chưa qua chế biến hoặc chế biến chưa kỹ: Đây là yếu tố tiềm ẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng và gây ra các biến chứng sản khoa nghiêm trọng.
- Đồ ăn vặt: Khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh quy và kẹo có rất ít giá trị dinh dưỡng và chứa nhiều đường và chất béo. Bạn cần hạn chế mức tối thiểu hoặc tránh hoàn toàn với những thực phẩm này.
===>>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu – Cẩm nang cho người sắp làm mẹ
Mẹo khắc phục tình trạng ợ nóng ở tháng thứ 9 thai kỳ
Tháng thứ 9 của thai kỳ nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng ợ nóng sau khi ăn, đặc biệt là buổi tối. Điều này xảy ra do nội tiết tố thay đổi, acid trào ngược kích thích niêm mạc ở phần dưới thực quản. Để cải thiện điều này, bạn nên chú ý một số vấn đề sau trong chế độ ăn:
- Tránh dùng các thực phẩm, đồ uống không thích hợp với dạ dày chẳng hạn như đồ uống có ga, cafein, socola, thực phẩm chua, cay, chứa nhiều chất béo…
- Bạn nên chia thành nhiều bữa ăn và mỗi lần chỉ nên ăn một lượng nhỏ, điều này sẽ làm giảm trào ngược acid dạ dày. Trước khi đi ngủ hai tiếng không nên ăn, ăn trong vòng 1 tiếng hay nửa tiếng nên tránh nằm.
- Nên ăn chậm, nhai kỹ, nuốt chậm, không nên uống nước hay uống nhiều nước hoa quả khi ăn cơm để tránh bị đầy bụng.
- Ăn nhiều rau xanh có chứa caroten β và hoa quả giàu vitamin C như cà rốt, bắp cải, ớt xanh, đỏ…
- Trước khi đi ngủ nên uống 1 cốc sữa nóng.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 9 hết sức quan trọng, nó đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi, tăng cường sức khỏe của bà mẹ và thúc đẩy việc tiết sữa sau sinh. Trên đây là những thông tin bổ ích cho những mẹ sắp và đang bước vào giai đoạn tháng 9 thai kỳ, các mẹ cần tham khảo để đưa ra cho mình những lựa chọn về dinh dưỡng cần thiết. Nếu bạn có những thắc mắc hãy để lại thông tin liên hệ hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1800 9229 miễn phí cước để được giải đáp.
Nguồn tham khảo
Nutritional Needs During Pregnancy Medically reviewed by Miho Hatanaka, RDN, L.D. -Written by Catherine Clark — Updated on July 13, 2020. Truy cập vào ngày 22/06/2022.