Chuyển dạ sinh non là hiện tượng chuyển dạ diễn ra quá sớm so với thời gian dự sinh. Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về sức khỏe hơn trẻ sinh đủ tháng. Vậy làm sao để mẹ bầu biết liệu mình có thể bị chuyển dạ sinh sớm không, dấu hiệu sinh non là gì? Trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu các nguyên nhân và dấu hiệu sinh non.
Tại sao sinh non?
Sinh non hay còn gọi là sinh thiếu tháng có thể được hiểu là thai nhi chào đời quá sớm so với thời gian được dự sinh. Với những em bé được sinh từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ được gọi là sinh non.
Những chị em thuộc các trường hợp dưới đây sẽ có khả năng cao bị sinh non như:
- Phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu đường (lượng đường trong máu cao).
- Phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp (huyết áp cao).
- Bà bầu gặp các vấn đề về tim hoặc thận.
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng màng ối hoặc âm đạo hoặc đường tiết niệu.
- Chảy máu, thường do nhau thai nằm thấp (nhau tiền đạo) hoặc nhau thai tách khỏi tử cung (nhau bong non).
- Tử cung của mẹ không có hình dạng như bình thường.
- Thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn.
- Mẹ của thai nhi bị nhẹ cân trước khi mang thai hoặc không tăng đủ cân khi mang thai.
- Mẹ của thai hút thuốc, sử dụng ma túy hoặc uống rượu khi mang thai.
Dấu hiệu sinh non
Sinh non có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Mẹ bầu có thể có các dấu hiệu như tiết dịch âm đạo quá nhiều, đau lưng dưới và các cơn co thắt thường xuyên, tiêu chảy hoặc buồn nôn. Chúng là những dấu hiệu cho thấy em bé của bạn có thể sắp chào đời sớm hơn dự kiến. Đôi khi một vài dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn. Đau lưng dưới hoặc các cơn co thắt giả cũng có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai.
Theo WHO, sinh non được chia làm 3 loại, dựa theo số tuần tuổi thai:
- Cực kỳ non tháng (dưới 28 tuần).
- Rất non tháng (28 đến 32 tuần).
- Sinh non trung bình đến muộn (32 đến 37 tuần).
Vậy dấu hiệu sinh non theo từng tuần như thế nào? Trong hầu hết các trường hợp, chuyển dạ dấu hiệu của chuyển dạ sinh non thường giống với chuyển dạ sinh đủ tháng. Các dấu hiệu sinh non cụ thể như sau:
Các cơn co thắt thường xuyên xảy ra
Nếu bạn cảm thấy co thắt thường xuyên vào một khoảng thời gian nhất định trước tuần thứ 37, đó là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non. Những cơn co thắt này có thể gây đau đớn, cũng có lúc không đau. Chuyển dạ sinh non có thể gây dọa sinh non.
Thay đổi dịch tiết âm đạo
Một trong những dấu hiệu sinh non là tăng tiết dịch âm đạo trước thời gian dự kiến sinh. Cũng có thể có sự thay đổi trong loại dịch tiết âm đạo. Bạn có thể thấy đột ngột tiết ra chất nhầy dạng nước, đôi khi nó cũng có thể có máu. Đây là một trong các triệu chứng của chuyển dạ sinh non. Thông báo ngay cho bác sĩ của bạn nếu điều này xảy ra.
Vỡ nước ối
Nước ối không được vỡ trước tuần 37 của thai kỳ trong tình trạng bình thường. Nhưng nếu nước ối vỡ trước đó, điều đó có nghĩa là bạn sắp sinh non. Trong trường hợp đó, điều quan trọng là phải nhập viện càng sớm càng tốt.
Đau lưng âm ỉ
Đau lưng không phải là dấu hiệu bất thường khi mang thai. Nhưng đôi khi, cơn đau âm ỉ này cũng có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non. Khi em bé được rặn ra khỏi cổ tử cung sẽ có thể gây đau thắt lưng liên tục. Do đó, điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ của bạn.
Chuột rút
Những cơn chuột rút đặc biệt về đêm là triệu chứng tiềm ẩn của chuyển dạ sớm. Vì vậy nếu gặp phải tình trạng này khi mang thai bà bầu không được chủ quan.
Nguyên nhân sinh non
Nhiều trường hợp sinh non chưa biết rõ lý do nhưng người ta xác định được các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến việc sinh non, bao gồm:
Nhau bong non
Nhau tha hỗ trợ sự sống của em bé, nếu nhau thai tách khỏi niêm mạc tử cung trước 37 tuần có thể dẫn đến sinh non. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của em bé. Sự tách rời của nhau thai có thể làm gián đoạn việc vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho thai nhi. Trong trường hợp này, bạn có thể gặp phải các cơn co thắt chuyển dạ sớm.
Tiền sử sinh non
Nếu bạn đã từng có tiền sử sinh non trước đây, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến lần mang thai tiếp theo bị sinh non. Tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và xác định chắc chắn những rủi ro của việc sinh non.
===>>> Xem thêm: Sinh non: Nguyên nhân, Phân loại, Điều trị, Hậu quả và Phòng ngừa
Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể gây sinh non. Khả năng bị tiền sản giật tăng lên khi huyết áp cao ở phụ nữ mang thai. Nếu bạn bị tiền sản giật, bác sĩ có thể quyết định cho bạn sinh sớm để cứu sống cả hai. Do đó, huyết áp cao là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sinh non.
Mang thai đôi
Đa thai có thể dẫn đến sinh non trong hầu hết các trường hợp. Phụ nữ mang thai đôi hoặc ba có thể là một nguyên nhân dẫn đến sinh non. Đi khám để bác sĩ của bạn kiểm tra chắc chắn về những rủi ro liên quan đến việc chuyển dạ sinh sớm.
Cổ tử cung
Đôi khi cổ tử cung của bạn có thể mở ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào trước ngày dự sinh. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bà bầu sinh non. Vẫn chưa rõ tại sao một số phụ nữ gặp vấn đề này tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nó có thể do cổ tử cung yếu và không thể giữ được cho đến ngày dự sinh.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng khi mang thai, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây nguy hiểm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh non ở phụ nữ mang thai. Nhiễm trùng nước ối và âm đạo cũng có thể gây sinh non. Thậm chí, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể gây sinh sớm ở nhiều phụ nữ.
===>>> Xem thêm: [TÌM HIỂU] Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non mà mẹ bầu đừng bỏ qua
Trẻ sinh non có cần chăm sóc đặc biệt không?
Sinh non có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Hầu hết các ca sinh non xảy ra ở giai đoạn từ 24 đến 36 tuần. Sinh non có thể gây ra các ảnh hưởng về sức khỏe cho em bé. Đặc biệt nếu em bé được sinh ra trước 24 tuần của thai kỳ. Có thể có một số rủi ro như khó thở, khả năng miễn dịch kém và thậm chí gặp các vấn đề nghiêm trọng như bại não.
Vậy trẻ sinh non có cần chăm sóc đặc biệt không? Câu trả lời là “có”. Nhiều đứa trẻ sinh non, sinh thiếu tháng đặc biệt là những trẻ sinh quá sớm có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn những trẻ sinh được sinh ở gần ngày dự sinh. Vì vậy, chúng thường cần được chăm sóc trong đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).
Hy vọng qua bài viết “dấu hiệu sinh non” giúp mẹ bầu nắm được những triệu chứng để theo dõi tình hình sức khỏe, nếu có điều gì bất ổn hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline 1800 9229 để được giải đáp.
Tài liệu tham khảo
Tác giả: Noreen Iftikhar, MD, Premature Birth Complications, Healthline , đăng ngày vào ngày 29 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2022.