Thực hiện các xét nghiệm trong thai kỳ là một việc làm cần thiết để góp phần chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. Các xét nghiệm này có thể giúp phát hiện ra các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thông qua các xét nghiệm trong thai kỳ mà nhiều vấn đề sức khỏe trong khi mang thai đã được can thiệp kịp thời.
Tại sao cần làm các xét nghiệm trong thai kỳ?
Thực hiện các xét nghiệm khi mang thai được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ trong thai kỳ. Bởi đây là một phần quan trọng góp phần tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh. Những xét nghiệm này có thể giúp mẹ bầu nhanh chóng phát hiện ra những nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Việc tiến hành đầy đủ cấc xét nghiệm trong thai kỳ giúp kịp thời xử lý các biến chứng có thể xảy ra đối với mẹ và bé.
Các xét nghiệm trong thai kỳ cần được thực hiện sớm
Các xét nghiệm trong khi mang thai 3 tháng đầu mà mẹ cần thực hiện sớm để nhanh chóng phát hiện các bất thường có thể xảy ra gồm có:
Xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh
Xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh (CBC) là xét nghiệm được khuyến cáo nên được tiến hành sớm trong thai kỳ. CBC sẽ giúp đếm được số lượng của các tế bào khác nhau trong máu của bạn.
Thông qua số lượng các tế bào hồng cầu có thể xác định được thai phụ có bị thiếu máu hay không. Số lượng bạch cầu có thể xác định được khả năng chống lại bệnh tật của bạn. Số lượng tiểu cầu giúp xác định mẹ bầu có gặp các vấn đề về rối loạn đông máu hay không.
Xét nghiệm máu khi mang thai ở tuần thứ mấy? Không có quy định bắt buộc nào về thời gian tiến hành xét nghiệm máu trong thai kỳ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mẹ nên tiến hành sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Xét nghiệm nhóm máu và yếu tố Rh
Xét nghiệm nhóm máu cũng đặc biệt cần thiết trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Kết quả của xét nghiệm máu này giúp xác định mẹ có yếu tố Rh hay không.
Rh là một loại protein được tìm thấy trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Nếu trong máu mẹ có loại protein này thì sẽ có Rh+, nếu không có protein này bạn sẽ thuộc Rh-. Nếu thai nhi Rh+ mẹ bầu có Rh- thì cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại yếu tố Rh của con.
Xét nghiệm phân tích nước tiểu
Xét nghiệm phân tích nước tiểu nên được khuyến cáo thực hiện trong những tháng đầu của thai kỳ nhằm mục đích:
- Xác định xem bà bầu có bị bệnh đường niệu hay không (thông qua tế bào hồng cầu).
- Xác định xem bà bầu có bị nhiễm trùng đường niệu hay không (thông qua tế bào bạch cầu).
- Xác định bà bầu có mắc đái tháo đường thai kỳ không.
- Xác định nồng độ protein niệu. Những bà bầu có nồng độ protein trong nước tiểu cao có nguy cơ cao tiền sản giật.
Xét nghiệm cấy nước tiểu
Xét nghiệm cấy nước tiểu giúp tìm vi khuẩn có trong nước tiểu – yếu tố để xác định mẹ bầu có nhiễm trùng đường tiểu hay không. Nếu xét nghiệm có vi khuẩn trong nước tiểu, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng kháng sinh. Sau khi điều trị, bạn có thể làm lại xét nghiệm này để kiểm tra có còn vi khuẩn hay không.
Xét nghiệm rubella
Nếu mẹ bầu mắc bệnh rubella, con rất dễ mắc dị tật bẩm sinh. Nếu bạn đã từng bị rubella trước đây hay đã được chủng ngừa bệnh này thì khả năng mắc bệnh là rất thấp.
Thông qua xét nghiệm máu sẽ xác định được bạn có khả năng miễn dịch với bệnh này hay không. Nếu mẹ bầu chưa được tiêm phòng rubella hay chưa từng mắc bệnh này cần tránh tiếp xúc với bất kỳ ai mắc bệnh. Việc tiêm vắc xin phòng rubella không được khuyến cáo khi mang thai. Bạn có thể thực hiện nó sau khi sinh bé.
Xét nghiệm viêm gan B và viêm gan C
Nếu phụ nữ mang thai bị viêm gan B hoặc viêm gan C rất có thể sẽ lây truyền virus này sang cho con. Vì vậy tất cả phụ nữ mang thai nên được tiến hành xét nghiệm viêm gan B và viêm gan C.
Nếu bạn bị viêm gan B hay viêm gan C cần có sự chăm sóc đặc biệt từ bác sĩ trong khi mang thai. Bé sau sinh cũng cần được chăm sóc đặc biệt. Việc chủng ngừa viêm gan B và viêm gan C được khuyến cáo cho phụ nữ trước khi mang thai. Nếu bạn chưa tiêm đủ các mũi phòng ngừa viêm gan trước khi mang thai có thể tiếp tục tiêm trong khi mang thai.
===>>> Xem thêm: Lịch khám thai định kỳ đầy đủ mà phụ nữ mang thai cần ghi nhớ
Xét nghiệm virus suy giảm miễn dịch ở người HIV
Nếu mẹ bầu bị nhiễm HIV khả năng lây truyền cho con là rất cao. Điều này sẽ tấn công vào các tế bào hệ thống miễn dịch của bé. Việc xét nghiệm thai phụ có nhiễm HIV hay không sẽ giúp kịp thời đưa ra các hướng xử trí trong thai kỳ.
Nếu thai phụ nhiễm HIV các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc nhằm ngăn ngừa lây truyền sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng cần phải được chăm sóc đặc biệt.
Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu mẹ bầu mắc phải những bệnh này. Tất cả phụ nữ mang thai đều nên được xét nghiệm sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sau khi được can thiệp điều trị sẽ được xét nghiệm lại để đánh giá biện pháp có hiệu quả hay không.
Xét nghiệm bệnh lao
Xét nghiệm bệnh lao được khuyến cáo ở những phụ nữ có nguy cơ cao bị bệnh lao. Điều này sẽ góp phần bảo vệ mẹ và bé trong thai kỳ.
Các xét nghiệm cần thực hiện ở đoạn sau của thai kỳ
Ở tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 của thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ
Với xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ các bác sĩ sẽ tiến hành đo mức glucose trong máu của bạn. Lượng glucose trong máu cao là một dấu hiệu chứng tỏ bạn bị tiểu đường thai kỳ.
Các bác sĩ sẽ cho bạn uống 1 hỗn hợp đường đặc biệt. Sau 1 giờ sẽ được tiến hành lấy máu để xét nghiệm. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao sẽ được chỉ định thêm một số xét nghiệm khác. Xét nghiệm này nên được tiến hành từ tuần 24 – 28 của thai kỳ hoặc tiến hành sớm trong 3 tháng đầu nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh này.
Xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B
Xét nghiệm sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B là xét nghiệm cần làm khi mang thai những tháng cuối. Nó được khuyến cáo tiến hành vào tuần thứ 36 – 38 của thai kỳ.
Nếu kết quả của xét nghiệm cho thấy có liên cầu khuẩn nhóm B, thai phụ sẽ được sử dụng kháng sinh qua đường tĩnh mạch sau khi bắt đầu chuyển dạ. Điều này sẽ giúp bảo vệ em bé khỏi nhiễm trùng trong quá trình chuyển dạ.
Các xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh
Hầu hết các trường hợp dị tật bẩm sinh đều xảy ra do trẻ sinh ra bởi bố mẹ có yếu tố nguy cơ. Các xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh nên được tiến hành nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh như:
- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình về dị tật bẩm sinh
- Bà bầu 35 tuổi trở lên.
- Bà bầu bị tiểu đường trước khi mang thai
===>>> Xem thêm: Khám sàng lọc trước sinh và những điều mẹ bầu cần biết
Trên đây là tổng hợp các xét nghiệm trong thai kỳ mà bà bầu nên thực hiện. Để đảm bảo có thể phát hiện sớm nhất các nguy cơ biến chứng và xử lý kịp thời hãy thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi mang thai theo khuyến cáo của các bác sĩ. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 1800 9229 để được giải đáp.
Nguồn tham khảo
1. Common Tests During Pregnancy, hopkinsmedicine.org. Truy cập ngày 27/06/2022.
2. Routine Tests During Pregnancy, acog.org. Truy cập ngày 27/06/2022.