Trong quá trình mang thai nhiều mẹ bầu gặp tình trạng buồn nôn, nôn mửa nhiều lần trong ngày khiến mẹ bầu không thể ăn được gì. Vậy triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào và khi nào kết thúc? Có cách nào khắc phục ốm nghén không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.
Mang thai tuần thứ mấy thì có triệu chứng ốm nghén?
Ốm nghén là cảm giác buồn nôn và nôn mửa xảy ra trong vài tháng đầu của thai kỳ. Nó có thể kéo dài cả ngày và xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
Nguyên nhân gây ốm nghén có thể có mối liên hệ với mức độ tăng cao của hormone thai kỳ như: hCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen trong thời kỳ đầu mang thai. Những thay đổi nội tiết tố này cũng có thể làm cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn. Bà bầu có thể trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi nhất định, và vị giác cũng có thể thay đổi. Khiến cơ thể bà bầu khó tiêu hóa thức ăn, gây khó chịu cho dạ dày.
Vậy triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào? Thông thường thai phụ sẽ gặp tình trạng ốm nghén trong ba tháng đầu mang thai. Thời gian xuất hiện tình trạng ốm nghén phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Có người sẽ gặp ốm nghén từ rất sớm, ở tuần thứ 4 – 6, khi phôi thai đã làm tổ và ổn định trong tử cung. Có những người gặp tình trạng này muộn hơn khoảng tuần thứ 8 – 12, thậm chí với những người có cơ địa nhạy cảm, ốm nghén có thể kéo dài đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6 của thai kỳ, thậm chí là đến khi sinh con.
Khi nào triệu chứng ốm nghén chấm dứt? Theo các chuyên gia, từ 70 đến 85% phụ nữ mang thai bị ốm nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ và hầu hết phụ nữ nhận thấy rằng các triệu chứng của ốm nghén sẽ thường biến mất trong giai đoạn thứ 2 của thai kỳ tức khoảng 16 tuần.
Các triệu chứng của ốm nghén là gì?
Bà bầu sẽ biết mình bị ốm nghén nếu gặp những điều sau đây trong ba tháng đầu của thai kỳ:
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Chóng mặt.
- Nhìn thấy món gì cũng chán.
- Không thích hoặc ngửi mùi thức ăn dẫn đến buồn nôn và nôn
==>> Xem thêm: Triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào, khi nào kết thúc? Cách khắc phục
Ốm nghén nặng và ốm nghén nhẹ khác nhau như thế nào?
Một số phụ nữ có thai chỉ cảm thấy buồn nôn thoáng qua một hay hai lần trong ngày. Nếu xảy ra tình trạng này thì bà bầu được xem là ốm nghén nhẹ. Còn nếu ốm nghén nặng thì bà bầu sẽ có cơn buồn nôn kéo dài trong vài giờ mỗi ngày và tình trạng nôn mửa sẽ xảy ra thường xuyên. Việc điều trị nghén không liên quan đến ốm nghén nặng hay ốm nghén nhẹ. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của ốm nghén đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người mà mẹ bầu sẽ quyết định đến việc điều trị ốm nghén.
Hội chứng nôn nghén là hiện tượng ốm nghén nặng nhất của thai kỳ, buồn nôn và nôn quá mức khi mang thai. Nó có thể khiến bà bầu giảm cân và mất nước (không có đủ nước trong cơ thể). Nó có thể bắt đầu sớm trong thai kỳ và kéo dài trong toàn bộ thai kỳ. Phụ nữ mang thai mắc chứng nôn nghén cần được điều trị (đôi khi ở bệnh viện) để giúp khỏi bệnh.
Vậy ốm nghén nặng xảy ra khi nào? Bà bầu có thể có nguy cơ bị ốm nghén nặng khi có một trong các yếu tố sau:
- Mang thai lần đầu.
- Đang mang thai một bé gái.
- Mang thai đa bội (sinh đôi, sinh ba trở lên). Mang thai nhiều hơn một em bé có thể làm tăng nguy cơ ốm nghén nặng vì nhau thai to và tăng hormone thai kỳ.
- Đã từng bị ốm nghén nhẹ hoặc nặng trong lần mang thai trước, hoặc mẹ hoặc chị gái của bạn bị ốm nghén nặng khi mang thai.
- Đang thừa cân.
- Mắc bệnh nguyên bào nuôi, một tình trạng dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào trong tử cung (dạ con).
Ốm nghén có nguy hiểm không?
Ốm nghén là một tình trạng phổ biến khi mang thai, mặc dù không gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhưng ốm nghén vẫn có thể để lại một số hậu quả nhất định.
Ốm nghén khiến thai phụ bị nôn và buồn nôn liên tục, trong trường hợp nhẹ, thai phụ vẫn giữ lại được một phần thức ăn ở đường tiêu hóa. Nhưng trong trường hợp nặng, thai phụ sẽ cảm thấy buồn nôn đi kèm với tình trạng nôn liên tục, không giữ lại được thứ gì trong ống tiêu hóa.
Nếu bị ốm nghén nặng mà không có sự can thiệp y tế, tăng cường dinh dưỡng, sẽ dẫn đến thiếu chất ở thai phụ. Khi thai phụ bị thiếu hụt chất, thì sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở thai nhi, khiến thai nhẹ cân hoặc suy thai. Khi xuất hiện các biểu hiện nặng cần phải đưa thai phụ đến ngay bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định, truyền dinh dưỡng hoặc bổ sung các Vitamin.
==>> Xem thêm: Mang thai không nghén có sao không? Không nghén là tốt hay xấu?
Các mẹo chữa ốm nghén hiệu quả
Có rất nhiều biện pháp đơn giản, an toàn mà mang lại hiệu quả mà phụ nữ mang thai bị ốm nghén có thể thử để chống lại cơn buồn nôn. Cụ thể:
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ: Để bụng đói quá lâu có thể khiến bà bầu cũng cảm thấy buồn nôn. Thay vì ăn ba bữa lớn trong một ngày, mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn. Ăn các món ăn nhẹ trong ngày giữa các bữa ăn lớn hơn có thể giúp mẹ bầu không cảm thấy buồn nôn. Nhưng hãy nhớ rằng, ăn quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn.
- Tránh thức ăn gây kích thích: Tránh số thức ăn và đồ uống khó tiêu hóa vì chúng có thể khiến bạn càng thêm ốm nghén. Cố gắng tránh xa caffeine, thực phẩm có tính axit như cà chua, và thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc cay. Thuốc bổ sung sắt cũng có thể góp phần gây buồn nôn và táo bón, vì vậy bà bầu hãy lựa chọn những loại thuốc sắt ở dạng hữu cơ để hạn chế được tình trạng này.
- Uống nhiều nước: Ngoài nước, có thể uống thêm nước uống thể thao bổ sung nước, nước canh và nước trái cây có thể giúp thay thế các chất dinh dưỡng mà bạn có thể bị mất do nôn mửa.
- Ăn và uống thực phẩm có gừng: có thể giúp làm dịu cảm giác buồn nôn. Có thể dùng một tách trà gừng.
- Uống bổ sung vitamin B6: đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn khi mang thai.
- Sau khi ăn xong, mẹ bầu lưu ý không nằm luôn.
- Bà bầu hãy nghỉ ngơi đầy đủ, không nên làm việc gắng sức vì sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và căng thẳng. Điều này có thể sẽ khiến bạn bị nghén nặng hơn.
Rất nhiều phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Tình trạng này thường không gây hại cho mẹ và bé. Nếu tình trạng ốm nghén của bà bầu nghiêm trọng hoặc đã chuyển sang tháng thứ tư của thai kỳ thì bạn mới cần đi khám bác sĩ. Hy vọng qua bà viết của chúng tôi đã giúp mẹ bầu giải đáp được câu hỏi “Triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào“. Bạn hãy để lại thông tin liên hệ hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài miễn phí cước 1800 9229 để được giải đáp thắc mắc.
Tài liệu tham khảo
Tác giả: Megan Dix, RN, BSN, When Does Morning Sickness Start?, healthline, đăng ngày 22 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2022.