Ho có đờm là triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Điều này gây cản trở đến đường thở, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc,…Tuy nhiên, liệu có phải lúc nào cũng nên thực hiện vỗ long đờm cho trẻ? Và cha mẹ có nên tự vỗ long đờm cho trẻ tại nhà không? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ dưới đây.
Tại sao trẻ cần được vỗ long đờm?
Vỗ long đờm hay còn được gọi là vỗ rung long đờm là một phương pháp vật lý giúp trẻ đào thải đờm và dịch nhầy trong đường hô hấp ra bên ngoài. Phương pháp này được thực hiện bằng tay hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai.
Việc vỗ long đờm giúp trẻ không còn cảm giác khó thở do khi đó phổi của trẻ giãn nở tốt hơn, sức cơ hô hấp tăng lên và đờm cũng được đào thải ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, khi đờm tích tụ trong đường hô hấp của trẻ, nó có thể gây ra viêm và nhiễm trùng. Viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng và viêm amidan là những vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến đờm tích tụ trong đường hô hấp.
Do vậy, vỗ long đờm còn giúp giảm thiểu các triệu chứng viêm trong đường hô hấp và giúp trẻ hồi phục nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp vỗ long đờm cần phải được thực hiện đúng cách để tránh làm tổn thương cho trẻ. Nếu không được thực hiện đúng cách, phương pháp này có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ.
Cha mẹ có nên tự vỗ long đờm cho trẻ tại nhà?
Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ có thể vỗ long đờm cho trẻ tại nhà, tuy nhiên phương pháp và kỹ thuật vỗ sẽ đơn giản và an toàn cho trẻ hơn so với các kỹ thuật vỗ rung long đờm được thực hiện tại cơ sở y tế do kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyên môn sâu phụ trách.
Cha mẹ có thể tham khảo thực hiện các bước vỗ long đờm chuẩn y khoa tại nhà cho trẻ dưới đây. Lưu ý thời gian vỗ long đờm thường được thực hiện vào buổi sáng khi trẻ vừa ngủ dậy và đang đói, để tránh tình trạng nôn trớ xảy ra.
Bước 1: Xác định tư thế vỗ long đờm
Các chuyên gia hướng dẫn có 4 tư thế vỗ long đờm giúp dẫn đờm ra ngoài tốt hơn mà không bị sặc trong đường hô hấp:
- Tư thế đặt trẻ nằm nghiêng người sang một bên.
- Tư thế đặt trẻ ngồi trong lòng mẹ, hơi cúi đầu và hướng về phía trước.
- Tư thế đặt người trẻ úp trẻ lên lòng bàn tay đối với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.
- Hoặc tư thế trẻ vác trẻ trên vai, úp người vào người mẹ.
Bước 2: Xác định đúng vị trí vỗ cho trẻ
Xác định vị trí phổi của trẻ, có thể ước lượng từ ngang lưng trên. Hướng vỗ từ dưới lên trên trong phạm vi phổi nhằm mục đích dẫn đờm từ đường hô hấp dưới lên trên miệng và họng.
Bước 3: Kỹ thuật vỗ long đờm đúng cách
- Tư thế tay: Để không làm trẻ bị đau, mẹ tuyệt đối không được để bàn tay thẳng vỗ vào lưng trẻ. Mẹ cần khum tay lại tạo thành khoảng trống khí (như hình ảnh minh họa) thì khi thực hiện vỗ trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, không bị đau.
- Khi vỗ, mẹ dùng lực cổ tay để vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng “bộp, bộp”. Mẹ sẽ cảm giác thấy lồng ngực của trẻ sẽ rung lên theo từng nhịp vỗ. Lưu ý, không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ khiến trẻ bị đau.
- Nếu làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề cảm thấy đau mà còn giúp trẻ dễ thở, thỏa mái và thích thú hơn.
- Mỗi lần vỗ rung làm từ 10 – 15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho các bác sĩ.
Quá trình vỗ long đờm cho trẻ tại cơ sở y tế có chuyên môn
Để chuẩn bị cho quá trình vỗ long đờm cho trẻ, cha mẹ không nên cho trẻ ăn trong khoảng 2 giờ trước khi thực hiện kỹ thuật này. Phun khí dung cho trẻ trước đó để làm đờm loãng ra, dễ dàng ra ngoài hơn.
Số lần thực hiện kỹ thuật vỗ long đờm cho trẻ dựa trên tình trạng bệnh của trẻ. Quá trình vỗ long đờm có 4 bước được thực hiện, thông thường trong vòng 10-15 phút.
Bước 1: Thông tắc mũi họng
Bước 2: Hỉ mũi
Bước 3: Chặn gốc lưỡi
Bước 4: Kỹ thuật tăng luồng khí thở
Lưu ý, cha mẹ và kỹ thuật viên cần phải quan sát sắc mặt trẻ liên tục trong suốt quá trình vỗ long đờm, nếu thấy sắc mặt trẻ tím tái cần dừng ngay lập tức và thực hiện các thao tác cấp cứu để trẻ hô hấp lại bình thường. Đó là nguyên nhân tại sao, cha mẹ không nên thực hiện vỗ long đờm tại nhà cho trẻ theo phương pháp này.
Trong khi thực hiện vỗ long đờm, khó có thể tránh khỏi tình trạng trẻ quấy khóc gay gắt khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng 4 thao tác trên hoàn toàn không làm đau trẻ, mà chính phản xạ khóc đó sẽ giúp trẻ đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn, trẻ càng khóc to, đờm và dịch nhầy càng được đẩy ra nhiều và nhanh hơn.
Sau khi thực hiện xong kỹ thuật vỗ long đờm, mẹ hãy bế trẻ lên và vỗ về cho trẻ nín. Hãy để cho trẻ bình tĩnh lại và ít nhất 10 phút sau mới bắt đầu cho trẻ ăn hoặc uống sữa.
Một số lưu ý đặc biệt khi vỗ long đờm cho trẻ
Dưới đây là các lưu ý quan trọng mà bạn cần nắm rõ các lưu ý đặc biệt dưới đây:
- Đầu tiên, phương pháp này chỉ áp dụng với trường hợp trẻ ho có đờm, tuyệt đối không áp dụng với trẻ ho khan.
- Không được thực hiện vỗ long đờm cho trẻ trong các trường hợp trẻ chỉ bị nhiễm khuẩn hô hấp đơn thuần, kể cả viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản mà không có biến chứng do ứ đọng đờm gây ra.
- Đối với bệnh nhân đang lên cơn suyễn (thường có biểu hiện ho, nặng ngực, khò khè, khó thở) thì không nên vỗ long đờm vì không hiệu quả và có khi lại làm nặng hơn tình trạng khó thở của trẻ.
- Thời gian vỗ long đờm cho trẻ thường vào buổi sáng khi trẻ mới ngủ dậy chưa ăn hoặc sau ăn ít nhất 1 tiếng để tránh trường hợp làm cho trẻ bị nôn trớ thức ăn.
- Cha mẹ cần tháo bỏ hết nhẫn, đồng hồ đeo tay trước khi vỗ long đờm cho trẻ.
Để có phương pháp điều trị thích hợp, trẻ cần được khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, xác định chính xác nguyên nhân.
Cách chăm sóc trẻ tại nhà giúp hỗ trợ trẻ mau khỏi bệnh
Bên cạnh kỹ thuật vỗ long đờm, cha mẹ cũng có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau để giúp trẻ mau khỏi bệnh:
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 4-5 lần/ ngày, nhất là trước khi ăn và ngủ để trẻ có thể ăn dễ hơn và ngủ sâu giấc hơn. Lưu ý, cha mẹ nên khử khuẩn và rửa sạch tay trước khi vệ sinh mũi cho trẻ.
- Không sử dụng khăn xô hay khăn vải tái sử dụng nhiều lần để hỉ,lau mũi cho trẻ. Chỉ nên sử dụng khăn giấy sạch vô khuẩn để tránh nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nên chia nhỏ các cữ sữa để trẻ không bị sợ ăn do nghẹt mũi gây ra.
- Cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa để giúp loãng đờm, dễ thở hơn.
- Cho trẻ nằm nghiêng và kê gối cao hơn bình thường khi trẻ ngủ.
- Hạn chế dùng miệng để hút mũi cho trẻ do có thể gây viêm nhiễm nặng thêm. Chỉ nên thực hiện trong trường hợp nguy cấp, cần xử lý hút mũi bằng miệng để cấp cứu ngay lập tức.
- Khi trẻ ói hoặc có phản xạ ho, cha mẹ nên hỗ trợ vỗ lưng trẻ để có thể giúp trẻ tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn.
- Chống chỉ định cho trẻ sử dụng các loại thuốc ức chế cơn ho mà không được sự chỉ định của bác sĩ, do sẽ khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cần được giải đáp, vui lòng liên hệ theo hotline hotline 1800 9229 (miễn cước phí) để được các dược sĩ chuyên môn của Dược Tín Phong hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn.