Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ sơ sinh. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa vitamin, protein, chất béo, enzyme và kháng thể giúp cho trẻ phát triển và chống lại bệnh tật. Việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với hầu hết trẻ sơ sinh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ủng hộ vì những lợi ích trực tiếp được công nhận đối với dinh dưỡng, chức năng tiêu hóa, khả năng bảo vệ cơ thể và sức khỏe tâm lý của trẻ sơ sinh. Bài viết dưới đây của Dược Tín Phong sẽ gửi đến bạn đọc những nguyên tắc và lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là gì?
Nuôi con bằng sữa mẹ là cho trẻ được bú trực tiếp từ vú mẹ hoặc có thể bú gián tiếp qua bình thông qua việc hút sữa bằng máy và vắt sữa bằng tay.
Theo khuyến cáo, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Thực hiện chia nhỏ các cữ bú thành các lần trong ngày. Đối với trẻ sơ sinh thường bú cách nhau 2-3 giờ một lần; trẻ 2 tháng tuổi bú cách nhau 3-4 giờ một lần và đến 6 tháng trẻ thường bú cách 4-5 giờ một lần.
Vai trò của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Các nhà nghiên cứu đã khuyên rằng “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Thế nhưng thật sự sữa mẹ tốt như thế nào thì không phải ai cũng biết. Và sau đây là những lợi ích cho cả mẹ và trẻ từ việc nuôi con bằng sữa mẹ:
- Trẻ bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Nuôi con bằng sữa mẹ có thể tiết kiệm cho gia đình khoảng gần 50 triệu tiền mua sữa công thức cho trẻ trong năm đầu tiên, ngoài ra sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn các loại sữa công thức.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bệnh tim, ung thư vú, và ung thư buồng trứng cho bà mẹ.
- Cơ thể của bà mẹ mới sinh có thể hồi phục nhanh hơn nếu bạn chọn nuôi con bằng sữa mẹ. Thông qua quá trình cho trẻ bú, các hormon sẽ được giải phóng và có thể giúp tử cung của bạn nhanh trở lại kích thước như ban đầu.
- Cho con bú có thể đốt cháy một lượng calo tương đương khi bạn đi bộ 11km.
- Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít bị ốm vặt, giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng tai và các vấn đề về dạ dày. Nó còn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn, tiểu đường và béo phì ở trẻ em trong tương lai.
- Ngoài ra, sự tiếp xúc da kề da và giao tiếp bằng mắt giúp trẻ gắn kết với bạn và cảm thấy an tâm.
Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ và tại sao phải thực hiện những nguyên tắc đó
Theo kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ, để quá trình nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra một cách thuận lợi, chúng ta cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt
Lời khuyên của các bác sĩ, chuyên gia là mẹ nên cho trẻ bú bằng sữa mẹ càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn sữa non giàu dinh dưỡng và các chất có khả năng diệt khuẩn. Sữa non được coi là chất miễn dịch đầu tiên của trẻ. Sữa non có màu vàng nhạt, cô đặc và rất giàu dinh dưỡng. Các dưỡng chất có thể tìm thấy trong sữa non bao gồm chất đạm, vitamin, các kháng thể, bạch cầu… Nhờ những kháng thể này mà bé được bảo vệ hoàn toàn khỏi các yếu tố tấn công bên ngoài.
Sữa non là nguồn sữa sạch và có khả năng kháng khuẩn tốt. Cho trẻ bú thường xuyên và bú sớm, kết hợp với phương pháp tiếp xúc da kề da sớm giữa mẹ và trẻ đem đến nhiều lợi ích trong việc giúp ổn định thân nhiệt, tần suất hô hấp, nồng độ đường trong máu của trẻ và tăng tình cảm gắn bó giữa mẹ và con.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh mà thông qua việc cho trẻ bú sẽ kích thích cơ thể mẹ giải phóng hormone Ocytoxin. Hormone này giúp tử cung của mẹ co nhỏ về mức bình thường đồng thời giảm mất máu sau khi sinh. Theo các khảo sát thì nguy cơ ung thư vú ở những bà mẹ cho trẻ bú thấp hơn nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ chưa từng cho con bú.
Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sữa mẹ đáp ứng tất cả các nhu cầu về chất dinh dưỡng của trẻ. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổng kết nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy thấp hơn 8,6 lần. Một nghiên cứu từ Ấn Độ cho thấy tử vong do tiêu chảy và viêm phổi giảm ⅓ lần nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn (thay vì cho bú sữa mẹ một phần kết hợp sữa công thức) trong 4 tháng đầu. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang lại những lợi ích cho cả trẻ và mẹ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh cấp tính và mãn tính.
Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong trong những tháng đầu đời cao hơn từ 6 đến 10 lần. Trẻ bú sữa công thức cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường loại 1, bệnh celiac, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và bệnh bạch cầu ở trẻ em so với trẻ bú bằng sữa mẹ.
Những lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ có được như các mẹ mong muốn không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một vài lưu ý khi dưới đây có thể giúp giải đáp những thắc mắc của mẹ.
Dự đoán được khi nào là lúc trẻ cần bú
Thay vì đợi trẻ khóc, bạn có thể quan sát một vài dấu hiệu của trẻ để nhận biết. Nếu thấy con bạn làm những động tác này chứng tỏ bé đang đòi bú:
- Quay hoặc ngẩng đầu lên liên tục.
- Há miệng và khép miệng thường xuyên.
- Lè lưỡi liên tục.
- Ngậm vào bất cứ vật gì gần đó.
Tư thế của mẹ thoải mái khi cho trẻ bú
Nếu bạn cho con bú ở tư thế ngồi không phù hợp trong một thời gian dài có thể dẫn đến đau lưng, đau vai và cổ. Khi bạn vặn vẹo và di chuyển liên tục cho đỡ mỏi có thể làm gián đoạn quá trình cho trẻ bú mẹ và khiến trẻ bú không no và dễ cáu kỉnh.
Có một trong hai tư thế để cho con bú thoải mái được đề xuất dưới đây:
- Nằm nghiêng và để trẻ đối mặt với bạn.
- Ngồi ở tư thế ngả lưng với trẻ nằm trong vòng tay của bạn.
Giúp cho trẻ bú đúng vị trí núm vú mẹ
Trong quá trình bú sữa mẹ, trẻ có thể sẽ tìm thấy tư thế phù hợp nhất cho mình. Sau đây là một số hướng dẫn bạn có thể tham khảo để lựa chọn một tư thế phù hợp cho cả mẹ và bé. Bạn có thể thực hiện cách sau để bé có thể tìm đúng núm vú mẹ.
- Đặt trẻ ở vị trí sao cho miệng của chúng ngang bằng với núm vú của mẹ.
- Đầu của trẻ hơi ngả về phía sau.
- Để trẻ ngậm toàn bộ bầu vú, không chỉ ngậm núm vú.
- Cằm của trẻ phải hướng thẳng về phía ngực của mẹ để mũi được cách ra một đoạn cho trẻ dễ dàng hít thở.
Cần ngăn ngừa hiện tượng căng sữa sau sinh
Căng sữa là tình trạng sưng đau và cứng vú khi mẹ sản xuất nhiều sữa hơn lượng sữa mà trẻ bú được. Hiện tượng căng sữa thường gặp nhất khi sữa của bạn về ngày đầu tiên khi trẻ mới chào đời. Tuy nhiên cách tốt nhất để tránh tình trạng này là cho trẻ bú thường xuyên.
Nếu hiện tượng căng sữa vẫn không có dấu hiệu giảm đi, bạn có thể vắt sữa bằng tay bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng bầu vú giữa các ngón tay. Nếu không thấy hiệu quả thì mẹ nên thử sử dụng máy hút sữa và tiếp tục cho đến khi vú của bạn mềm và cảm thấy thoải mái trở lại.
Nuôi con bằng sữa mẹ thật sự là một giải pháp hữu hiệu cho trẻ nhỏ, nó được ví như những liều vắc xin tự nhiên đầu đời của trẻ. Vì vậy mẹ hãy cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Mọi thắc mắc xin liên hệ tổng đài miễn cước 1800 9229.
Nguồn tham khảo
PubMed. Exclusive breastfeeding reduces acute respiratory infection and diarrhea deaths among infants in Dhaka slums tác giả S Arifeen 1, R E Black, G Antelman, A Baqui, L Caulfield, S Becker. Truy cập vào ngày 17/06/2022.