Một trong những nỗi lo lắng chung của bất kỳ bậc cha mẹ nào là tình trạng trẻ sơ sinh bị ho. Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết khi nào thì cần đưa trẻ đi khám và chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho như thế nào để giúp trẻ mau khỏi. Đừng lo, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề này.
Tại sao trẻ sơ sinh lại bị ho?
Do sức đề kháng non nớt, trẻ sơ sinh rất dễ bị tấn công bởi các loại virus, vi khuẩn cùng với các yếu tố từ môi trường như bụi bẩn, khói thuốc lá, lông thú cưng ….
Và đó là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ho ở trẻ sơ sinh, nhất là vào thời điểm giao mùa.
Lúc này có nhiều bậc cha mẹ vẫn lầm tưởng rằng, ho là một bệnh lý.
Tuy nhiên, nhận định trên không được các chuyên gia cho là đúng. Trên thực tế, ho chính là một phản xạ tự vệ của cơ thể.
Phản xạ ho không những giúp tống xuất các vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác ra khỏi cơ thể của trẻ. Mà còn là dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết được trẻ sơ sinh đang mắc một tình trạng nào đó liên quan đến hệ hô hấp.
Trẻ sơ sinh bị ho là dấu hiệu của bệnh gì?
Ho ở trẻ sơ sinh có thể chỉ là biểu hiện của một tình trạng tạm thời và sẽ tự giảm đi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu kèm theo triệu chứng khác như sốt cao hoặc đờm màu xanh, vàng, điều này có thể cảnh báo về một bệnh lý nghiêm trọng.
Trẻ sơ sinh bị ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý dưới đây:
Ho do cảm lạnh/cảm cúm
- Triệu chứng: Sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, đau họng, mệt mỏi.
- Mô tả: Đây là bệnh viêm nhiễm thông thường do virus gây ra.
Ho kích ứng
- Triệu chứng: Ho không kèm theo các triệu chứng khác như sốt hay nghẹt mũi.
- Mô tả: Ho có thể do môi trường (như khói, bụi) hoặc do việc thay đổi thời tiết.
Trẻ sơ sinh bị ho do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Triệu chứng: Ho, sốt nhẹ, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đôi khi có khó thở.
- Mô tả:
- Đường hô hấp trên (tai, mũi, họng, thanh quản, xoang) chính là cửa ngõ tiếp xúc với không khí và môi trường đầu tiên của hệ hô hấp.
- Khi bị tấn công bởi virus, vi khuẩn, niêm mạc đường hô hấp trên của trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương và viêm nhiễm gây ra các bệnh lý như: Viêm họng, viêm amidan, viêm mũi dị ứng, viêm thanh quản, cúm, viêm xoang, viêm tai giữa…
Trẻ sơ sinh bị ho do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
- Triệu chứng chính: Ho mạnh (có thể có đờm), sốt nhẹ hoặc sốt cao, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, sốt.
- Mô tả:
- Tại đường hô hấp dưới có các cơ quan bao gồm: Phổi, khí quản, phế quản và tiểu phế quản. Với những bệnh lý tương ứng khi chúng bị tổn thương đó là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
- So với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thì những bệnh lý này thường đáng lo ngại hơn. Thậm chí, một số trường hợp nặng còn dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, nguy kịch đến tính mạng nếu không được điều trị và xử lý kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị ho, sổ mũi nhưng không sốt có sao không?
Đôi khi, ho và sổ mũi có thể xuất phát từ những kích ứng đơn giản như bụi, khói hoặc không khí lạnh. Trong trường hợp khác, trẻ có thể bị cảm lạnh nhẹ hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên mức độ nhẹ.
Nếu trẻ vẫn ăn uống bình thường, vui vẻ và không có triệu chứng nghiêm trọng khác như khó thở hoặc tím tái, bạn có thể chăm sóc trẻ tại nhà và quan sát thêm.
Trẻ sơ sinh lâu lâu bị ho vài tiếng có đáng lo ngại không?
Trẻ sơ sinh thường có những cơn ho do sự kích ứng từ việc nuốt dịch nhầy hoặc nước bọt, hoặc có thể từ việc ăn uống (như trào ngược sữa).
Nếu trẻ chỉ ho trong một khoảng thời gian ngắn và không có dấu hiệu khác, nó có thể chỉ là một phản ứng tự nhiên và không đáng lo ngại.
Cha mẹ có nên tự điều trị ho tại nhà cho trẻ sơ sinh?
Dù nhiều bậc cha mẹ lo lắng và quan tâm đến “Cách trị ho cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi”, “Cách trị ho cho trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi” hay những phương pháp trị ho cho trẻ sơ sinh tại nhà.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý điều trị ho cho trẻ sơ sinh tại nhà. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch và chức năng cơ thể trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, việc điều trị và dùng thuốc cần dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bé.
Khi nào trẻ sơ sinh bị ho cần đưa đi khám?
Cha mẹ nên đưa trẻ sơ sinh đến bệnh viện để nhận được sự thăm khám và chỉ định điều trị của Bác sĩ chuyên khoa khi tình trạng ho của trẻ:
- Ho kéo dài: Nếu trẻ ho suốt nhiều ngày và không có dấu hiệu giảm đi, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
- Khó thở hoặc thở nhanh: Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, môi và móng tay xanh, hoặc ngực trẻ co rút mỗi lần thở, đó là dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức.
- Sốt cao hoặc kéo dài: Sốt ở trẻ sơ sinh luôn là một vấn đề nghiêm trọng và cần sự chú ý.
- Ho kèm theo đờm xanh hoặc vàng: Đờm màu xanh hoặc vàng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Quấy khóc, uể oải hoặc không ăn: Nếu trẻ không thể bú sữa, không chịu ăn, hoặc liên tục quấy khóc, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
- Dấu hiệu nguy hiểm: Như tím tái, co giật, mất ý thức, hoặc có các triệu chứng bất thường khác.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị ho
Khi trẻ sơ sinh bị ho, việc chăm sóc và giúp trẻ nhanh chóng hồi phục là mục tiêu hàng đầu của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả:
- Cho trẻ uống đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ, giúp trẻ có đủ năng lượng để kháng lại bệnh tật.
- Nếu trẻ có dấu hiệu khó khăn trong quá trình uống sữa do đau rát họng khiến cho bé sợ ăn. Mẹ hãy chia nhỏ các cữ ăn cho bé, không nên ép bé ăn.
- Mặc đủ ấm cho trẻ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với gió và mặc cho trẻ áo ấm, đặc biệt khi ra ngoài.
- Sử dụng nước muối vệ sinh mũi cho trẻ. Điều này giúp giảm chất nhầy, giảm sưng viêm, giúp bé dễ thở, dễ chịu hơn. Sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh nếu cần.
- Hạn chế tiếp xúc giữa trẻ và những người có triệu chứng cảm lạnh hoặc bệnh khác.
- Sử dụng máy tạo ẩm hoặc đặt một bát nước gần nơi trẻ ngủ để không khí không bị khô.
- Đảm bảo không gian sống của trẻ luôn sạch sẽ và thoáng đãng.
- Kiểm tra thân nhiệt của trẻ mỗi 2-3 tiếng. Sử dụng nhiệt kế hậu môn để có kết quả chính xác nhất. Nếu trẻ có sốt trên 38°C, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
- Không nên sử dụng thuốc hạ sốt thông thường mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì việc dùng thuốc không đúng cách ở trẻ sơ sinh có thể gây biến chứng.
- Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nặng như ho kèm sốt, đờm màu xanh hoặc vàng, khó thở, lờ đờ, từ chối bú hoặc ăn, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Nhớ rằng, việc chăm sóc trẻ sơ sinh yêu cầu sự quan tâm và nhận biết đúng đắn từ phía các bậc cha mẹ. Hãy luôn lắng nghe và quan sát trẻ.
Nếu cha mẹ có bất kỳ băn khoăn hay lo lắng nào về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ theo số hotline 1800 9229 (miễn cước phí) để được các Dược sĩ chuyên môn hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn.
Tài liệu tham khảo
Tác giả Dany Paul Baby, MD (2022). Cough Remedies for Babies and Toddlers, webmd. Truy cập ngày 16/08/2023.