Trễ kinh là hiện tượng mà không ít chị em phụ nữ đang gặp phải. Việc không có kinh khi đến ngày dự kiến gây ra không ít lo lắng và bối rối cho nhiều người. Việc hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp cải thiện triệu chứng có thể giúp chị em kiểm soát tình trạng trễ kinh một cách hiệu quả. Cùng tìm hiểu những thông tin ấy qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Trễ kinh (chậm kinh) là gì?
Để hiểu về trễ kinh, trước hết ta cần biết thế nào là kinh nguyệt bình thường. Một chu kỳ kinh bình thường thường kéo dài từ 28-35 ngày tùy người, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày và lượng máu kinh dao động từ 50-80ml, máu có màu đỏ sậm và không có mùi. Trễ kinh (chậm kinh) là hiện tượng phụ nữ đến ngày hành kinh nhưng vẫn không có kinh nguyệt. Mức độ trễ kinh của mỗi người là khác nhau, có người trễ kinh 3 ngày, 5 ngày, có người trễ kinh 10 ngày hoặc lâu hơn. Nếu tình trạng không có kinh này diễn ra trên 3 tháng mà không mang thai, chị em được xác định là vô kinh.
Trễ kinh có thể đi kèm với với một số triệu chứng khác như: mụn trứng cá, rụng tóc, đau xương chậu, đau đầu,…
Nguyên nhân dẫn tới trễ kinh
Kinh nguyệt là yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe sinh sản của nữ giới. Và chậm kinh là dấu hiệu cảnh báo cơ thể chị em đang bất thường. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới trễ kinh có thể kể đến như:
Mang thai
Đa phần chị em đã có quan hệ tình dục thì việc đầu tiên nghĩ đến khi bị trễ kinh 5 ngày, 10 ngày hay trễ kinh 15 ngày là đang mang thai. Thông thường, kinh nguyệt được hình thành do sự bong tróc lớp niêm mạc tử cung khi trứng rụng và không kết hợp với tinh trùng để tạo thành hợp tử. Vì vậy, trong trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ tại niêm mạc tử cung, lớp niêm mạc này sẽ không bong ra mà tiếp tục phát triển để nuôi dưỡng thai nhi. Chậm kinh trở thành dấu hiệu dễ nhận biết nhất để chị em dự đoán mình có thai không.
⇒ Xem thêm: Trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai, nguyên nhân do đâu?
Căng thẳng, stress kéo dài
Khi bạn rơi vào tình trạng căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormone chống stress là cortisol để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, việc tiết cortisol lại ảnh hưởng đến hoạt động của vùng dưới đồi – cơ quan chịu trách nhiệm điều hòa nồng độ estrogen. Vì vậy, khi bị stress, chị em dễ bị rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh hơn thông thường.
Chế độ dinh dưỡng, thay đổi cân nặng đột ngột
Việc giảm cân quá mức, nhịn ăn để giảm cân là một trong những yếu tố khiến nhiều người bị chậm kinh. Nguyên nhân là do việc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình tạo và bài tiết estrogen của cơ thể. Chị em nên giảm cân khoa học và ăn uống lành mạnh. Ngược lại, việc tăng cân quá nhanh, ăn quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, gây rối loạn kinh nguyệt và chậm kinh ở nhiều người.
Sử dụng chất kích thích
Việc sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá có thể ảnh hưởng tới sức khỏe toàn cơ thể nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Chúng có thể ảnh hưởng tới việc điều hòa hormone sinh dục nữ. Vì vậy, nếu không muốn bị trễ kinh, chậm kinh, bạn nên hạn chế hút thuốc, uống rượu bia.
Bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa như: viêm lộ tuyến tử cung, suy buồng trứng, buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,… có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trễ kinh. Để nhận biết được các bệnh lý này, chị em cần quan sát kỹ chu kỳ kinh nguyệt của mình xem bên cạnh việc trễ kinh có dấu hiệu bất thường như: máu kinh có màu đen, mùi hôi, bị vón cục, đau bụng, đau lưng dữ dội khi đến tháng,… không. Tuy nhiên, bạn cần đi khám bác sĩ sản phụ khoa để biết chắc chắn nguyên nhân gây bệnh.
Rối loạn nội tiết
Một số giai đoạn đặc biệt, chị em dễ bị rối loạn nội tiết hơn bình thường như: con gái khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, chị em phụ nữ mới sinh, phụ nữ tiền mãn kinh. Vì vậy, tình trạng chậm kinh, trễ kinh ở những độ tuổi này là hoàn toàn bình thường, chị em không cần quá lo lắng.
Tác dụng phụ khi uống thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em như: thuốc tuyến giáp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,… Nếu bị trễ kinh, chị em nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn kỹ càng hơn và đổi thuốc nếu cần thiết.
Dùng thuốc tránh thai
Bản chất của thuốc tránh thai là dẫn chất của 2 hormone trong cơ thể là estrogen và progesterone. Vì vậy, khi bắt đầu dùng thuốc hoặc ngừng thuốc tránh thai, nồng độ hormone thay đổi đột ngột có thể khiến nhiều chị em bị trễ kinh. Nhiều người cần một thời gian dài sau khi ngừng thuốc tránh thai thì chu kỳ mới bình thường trở lại.
Biện pháp cải thiện chậm kinh, trễ kinh ở nữ giới
Trễ kinh không quá nguy hiểm nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khả năng mang thai của chị em phụ nữ sau này. Vì vậy, khi bị trễ kinh trong thời gian dài hay gặp các dấu hiệu bất thường, chị em cần đi khám để tìm nguyên nhân gây trễ kinh cũng như xác định hướng xử trí phù hợp. Nếu trễ kinh không phải do bệnh lý gây ra, chị em chỉ cần xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và cải thiện bằng cách:
- Giảm căng thẳng, stress: Nếu chị em bị trễ kinh sau một thời gian dài làm việc dưới áp lực cao hay gặp biến cố trong cuộc sống, thì khả năng đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Chị em nên thư giãn cơ thể, học thiền, tập các bài tập thở và tránh suy nghĩ quá nhiều để cải thiện.
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học, phù hợp: Nên cân bằng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, hạn chế tình trạng nhịn ăn giảm cân gây thiếu chất. Tuy nhiên, chị em cũng nên tránh ăn quá nhiều, quá no và tăng cân mất kiểm soát.
- Tập thể dục: Việc tập thể dục không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giảm tình trạng stress của nhiều người. Chị em nên dành thời gian để chạy bộ, tập yoga, bơi lội, đi xe đạp hàng ngày,…
- Lưu ý khi sử dụng thuốc: Nếu bạn đang sử dụng các thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp,…. hãy nói với bác sĩ nếu bạn bị trễ kinh để được cân nhắc xem có nên tiếp tục dùng thuốc không.
- Tránh xa các chất gây nghiện: Chị em nên hạn chế việc sử dụng rượu bia, thuốc lá. Chúng không chỉ là tác nhân gây rối loạn kinh nguyệt mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe toàn cơ thể.
- Hạn chế dùng thuốc: Bạn nên hạn chế sử dụng các thuốc có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt như các thuốc chứa corticoid. Ngoài ra, tránh lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, một năm không nên dùng thuốc này quá 2 lần.
- Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt có thành phần từ thảo dược, an toàn.
- Đi khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên đi khám phụ khoa 1-2 lần mỗi năm để đảm bảo bản thân không mắc bệnh lý gì.
⇒ Xem thêm: Góc thắc mắc: Phụ nữ bị trễ kinh uống gì cho ra máu?
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất mà chị em nên biết về hiện tượng trễ kinh ở phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến trễ kinh và mỗi một nguyên nhân lại có cách điều trị thích hợp. Nếu bạn còn thắc mắc gì, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline miễn cước 1800 9229 để được đội ngũ Dược sĩ chuyên môn tư vấn nhé.
Nguồn tham khảo
Thu Trang (2023). Trễ kinh là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh. Cổng thông tin điện tử Sở y tế Nam Định. Truy cập ngày 26/07/2023.