Hiện nay, trên mạng không ngừng lan truyền nhiều mẹo chữa kinh nguyệt không đều, tuy nhiên không phải biện pháp nào cũng đem lại kết quả tốt. Vậy đâu là cách chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà đơn giản, hiệu quả? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây của Dược phẩm Tín Phong nhé.
Giữ tâm lý thoải mái
Khi cơ thể rơi vào trạng thái stress lâu ngày sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormon corticoid – hormone gây hưng phấn, chống stress. Tuy nhiên, việc tiết nhiều corticoid trong thời gian dài lại ức chế quá trình tiết estrogen của cơ thể. Việc thiếu estrogen là một trong những nguyên nhân quan trọng gây rối loạn kinh nguyệt ở nhiều người. Vì vậy, bạn cần giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu trong thời gian dài. Bạn có thể thư giãn bằng cách vận động nhẹ nhàng, đi chơi hoặc đọc sách, nghe nhạc,…
Ngưng sử dụng các chất gây nghiện, chất kích thích
Việc sử dụng các chất gây nghiện như rượu bia trong thời gian dài ảnh hưởng tới chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ quan sinh sản. Bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia ở mức tối thiểu và đặc biệt tránh trong những ngày hành kinh. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh xa thuốc lá hay các chất kích thích khác để giảm các cơn đau bụng kinh dữ dội.
Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý
Việc thiếu ngủ khiến cơ thể bạn trở nên mệt mỏi, người luôn trong trạng thái thiếu năng lượng, tinh thần dễ lo âu, căng thẳng và các cơ quan phải hoạt động một cách quá tải. Một giấc ngủ đủ vào buổi tối giúp sạc lại năng lượng cho bạn để có một ngày mới hiệu quả. Vì vậy, bạn nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe toàn cơ thể cũng như điều hòa kinh nguyệt.
Luyện tập thể dục thể thao
Việc dành ra mỗi ngày từ 30 phút đến 1 tiếng cho các bài tập nhẹ nhàng cũng giúp chị em giảm đáng kể các triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt. Chị em có thể tham gia một số bộ môn như: đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông, yoga, đi xe đạp,…
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 với 126 phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt trong độ tuổi 35-40 cho thấy: Sau 6 tháng tập các bài tập yoga, tình trạng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh và các cảm xúc liên quan đến rối loạn kinh nguyệt như lo lắng, trầm cảm đều giảm.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở nhiều người, đặc biệt là những người giảm cân quá mức. Bạn nên bổ sung vào chế độ ăn của mình những thực phẩm giàu khoáng chất như sắt, magie, mangan, kẽm, vitamin B, vitamin C,… Những thực phẩm giàu các nhóm chất này có thể kể đến như: rau cải xanh, rau ngót, rau bina, dưa hấu, dứa, táo, kiwi, cam, quýt,….
⇒ Xem thêm: Chế độ ăn điều hòa kinh nguyệt không phải ai cũng biết
Cải thiện triệu chứng rối loạn kinh nguyệt bằng gừng
Nhiều người sử dụng gừng như một biện pháp giảm rối loạn kinh nguyệt. Thực tế, gừng giúp giảm lượng máu kinh ở những người bị rong kinh, giảm triệu chứng của các cơn đau bụng kinh.
Việc uống 75-2000mg bột gừng trong vài ngày đầu có kinh đã được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh. Tốt nhất, bạn nên uống nước gừng trong khoảng 7 ngày trước khi có kinh để cảm nhận hiệu quả rõ rệt và giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Bên cạnh uống nước gừng, bạn cũng có thể dùng gừng tươi đem giã ra rồi đắp lên bụng khi thống kinh hoặc sử dụng gừng như một loại gia vị trong các món ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bị đau dạ dày, việc dùng nhiều gừng không thật sự tốt. Thay vào đó, bạn có thể dùng nghệ để thay thế mà vẫn đạt được tác dụng tương tự.
Chữa rối loạn kinh nguyệt bằng giấm táo
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 đã cho thấy, việc sử dụng khoảng 15ml giấm táo mỗi ngày giúp điều hòa kinh nguyệt ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, giấm táo cũng có tác dụng giảm nồng độ insulin, giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ giảm cân cực hiệu quả.
Tuy nhiên, vị của giấm táo hơi khó uống với nhiều người. Bạn có thể thử bằng cách pha loãng với nước hoặc hòa thêm một vài muỗng mật ong. Nếu bạn bị đau dạ dày hoặc có tiền sử đau dạ dày thì tốt nhất không nên dùng giấm táo.
Cải thiện kinh nguyệt không đều bằng quế
Bên cạnh giấm táo, quế cũng là một trong những thực phẩm không thể bỏ qua với người có kinh nguyệt không đều, đặc biệt là người mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, quế còn giúp giảm tình trạng chảy máu quá mức, giảm đau bụng kinh và giảm cảm giác buồn nôn, nôn ở những người đau bụng kinh nguyên phát. Bạn có thể uống trà quế hàng ngày trước và trong những ngày đến tháng. Việc này sẽ giúp việc điều hòa kinh nguyệt hiệu quả hơn.
Điều hòa kinh nguyệt bằng ngải cứu
Ngải cứu là dược liệu có tính ấm, có tác dụng chống viêm, ôn kinh cầm máu. Chị em có thể sử dụng ngải cứu bằng cách phơi khô rồi đem đun với nước, uống như nước trà thông thường. Bạn cũng có thể dùng ngải cứu tươi để đun nước hoặc chế biến món ăn như: trứng rán ngải cứu, ngải cứu hầm gà,….
Điều hòa kinh nguyệt bằng cách day bấm huyệt
Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt nhẹ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp day bấm huyệt để cải thiện. Việc này giúp tăng cường lưu thông khí huyết, thư giãn các cơ vùng bụng nên giúp giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt.
Cách thực hiện:
- Bấm huyệt Quan nguyên trong khoảng 1-2 phút.
- Xoa vùng bụng dưới bằng cách áp lòng bàn tay phải vào bụng và xoa theo chiều kim đồng hồ cho đến khi có cảm giác ấm nóng.
- Day bấm huyệt Thận du trong 1-2 phút.
- Tiếp theo, day bấm huyệt Mệnh môn rồi đến huyệt Huyết hải và huyệt Tam âm giao. Mỗi huyệt thực hiện day bấm trong khoảng 1-2 phút.
Trong đó, vị trí các huyệt lần lượt như sau:
- Huyệt Quan nguyên: Nằm trên đường giữa bụng, dưới rốn 3 thốn.
- Huyệt Thận du: Dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 và ngang sang 2 bên 1.5 thốn.
- Huyệt Mệnh môn: Dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2.
- Huyệt Huyết hải: Nằm ở mặt trước phía trong đùi, từ xương bánh chè đo lên 1 thốn và vào trong 2 thốn.
- Huyệt Tam âm giao: Đo từ mắt cá chân phía trong lên 3 thốn, nằm ở chỗ bờ sau xương chày.
⇒ Xem thêm: Mẹo điều hòa kinh nguyệt bằng phương pháp dân gian mà bạn không thể bỏ qua
Như vậy, có nhiều cách chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà đem lại hiệu quả mà bạn có thể áp dụng. Tuy nhiên, nếu đã thử áp dụng các biện pháp trên mà triệu chứng rối loạn kinh nguyệt vẫn không hết, bạn nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline miễn cước 1800 9229 nhé.
Nguồn tham khảo
- Nhật Anh (2021). Một số mẹo chữa kinh nguyệt không đều tại nhà. Cổng thông tin điện tử Sở y tế Nam Định. Truy cập ngày 06/07/2023.