Ho có đờm là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý ở đường hô hấp. Vậy nguyên nhân nào gây ho có đờm? Làm thế nào để phát hiện và điều trị hiệu quả tại nhà? Những thắc mắc của độc giả sẽ được Dược Tín Phong giải đáp trong bài viết dưới đây. Mời độc giả cùng theo dõi!
Thế nào là ho có đờm?
Đờm gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ, vi khuẩn, virus xâm nhập từ đường hô hấp. Đây là chất được tiết ra từ khí quản, phế quản, các xoang trán, hốc mũi và họng.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống khứ dị vật ở đường thở ra bên ngoài. Khi thấy cơn ho nặng tiếng, kèm theo tiếng kêu khục khặc trong cổ họng, cảm thấy có gì đó mắc kẹt ở phía sau cổ họng… đó chính là ho đờm.
Nhiều trường hợp ho có thể tống đờm nhầy ra ngoài môi trường qua phản xạ khạc, nhổ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đờm được nuốt vào và chảy qua thực quản, đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
Phân biệt ho đờm và ho khan
Khác với ho đờm, ho khan là tình trạng ho khô, không kèm theo đờm hay chất nhầy và không nghe thấy tiếng khục khặc trong cơn ho.
Thông thường khi có cảm giác ngứa họng, kích thích cổ họng, người bệnh sẽ xuất hiện cơn ho khan. Ho nhiều về đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngược lại, ho đờm thường xuất hiện cả ngày và đêm, khi có cảm giác vướng đờm ở trong cổ họng, ngứa họng. Ho đờm sẽ khiến người bệnh khó chịu và gây ra tình trạng buồn nôn và nôn (đặc biệt ở trẻ nhỏ).
Nguyên nhân gây ra ho đờm
Ho có đờm do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, trong đó có nguyên nhân từ các bệnh ở đường hô hấp. Cụ thể như:
– Do cảm cúm: Khi bị cảm cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt, ho, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Ho trong khi bị cảm cúm có thể là ho khan hoặc ho đờm lâu ngày không dứt.
– Do môi trường sống: Do thường xuyên tiếp xúc với khói bụi khi tham gia giao thông, bụi bẩn trong nhà, phấn hoa, lông vật nuôi, khói thuốc lá…
– Do viêm nhiễm đường thở: Khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn, cổ họng bị đỏ, sưng đau, niêm mạc mũi phù nề, xung huyết… dịch mũi nhiều chảy xuống cổ họng khiến người bệnh bị ho đờm.
– Do viêm phế quản: Ban đầu người bệnh viêm phế quản ho khan, sau đó tiến triển thành ho đờm. Lúc này, màu sắc của đờm thay đổi dần từ trắng đục sang xanh hoặc vàng (khi bệnh ngày càng nặng).
– Do giãn phế quản: Khi viêm phế quản điều trị không dứt điểm sẽ tiến triển thành giãn phế quản với cơn ho có đờm kéo dài. Đờm đặc thành từng khuôn gây khó khăn cho việc long đờm, khạc tống đờm ra ngoài.
– Do viêm phổi: Người bệnh ho đờm dai dẳng trong thời gian dài kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, đau tức ngực. Đờm được tống ra ngoài sẽ có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm.
– Do lao phổi: Người bệnh sẽ bị ho đờm trong nhiều ngày. Đờm mủ có mùi hôi khó chịu kèm theo đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy hô hấp, nguy hiểm tới tính mạng.
Ho đờm có thể cảnh báo bệnh lý nguy hiểm ở đường hô hấp nên chúng ta không thể bỏ qua. Cần chủ động đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ bệnh dựa vào màu sắc cụ thể của đờm và các triệu chứng kèm theo… Qua thăm khám và thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra, chẩn đoán kỹ lưỡng, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị ho đờm
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ho đờm tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh và độ tuổi cụ thể của mỗi người.
Chữa ho đờm bằng mẹo tự nhiên
Với trẻ nhỏ hoặc những trường hợp chớm ho đờm, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị bằng mẹo tự nhiên như mật ong, lá hẹ, tỏi, gừng…
– Mật ong từ lâu được biết tới với công dụng sát khuẩn họng, chống viêm. Khi bị ho đờm, nhiều người sử dụng mật ong hòa với nước ấm và uống 2-3 lần trong ngày có thể giúp làm loãng đờm, giảm ho đờm hiệu quả.
– Lá hẹ có công dụng làm giảm tình trạng ngứa rát cổ họng, kháng khuẩn nên có thể dùng được cho người lớn và trẻ ho có đờm.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng lá hẹ tươi rửa sạch, cắt khúc, cho vào bát kèm theo mật ong, đường phèn và vài lát gừng và đem đi hấp cách thủy. Sau 20 phút, chắt lấy nước cốt của hỗn hợp vừa hấp hòa với nước uống hoặc uống trực tiếp cũng giúp tiêu đờm, giảm ho nhanh chóng.
Nhiều mẹ sử dụng lá hẹ để tiêu đờm cho trẻ
– Gừng có tính ấm, giúp thông mũi, sát khuẩn họng, được dùng nhiều trong khi bị ho đờm. Bạn chỉ cần thái lát gừng tươi cho vào ly nước ấm và ngâm trong khoảng 5 phút. Sau đó sử dụng trà gừng uống hàng ngày để làm long đờm hiệu quả.
– Trong tỏi chứa lượng kháng sinh và chất chống oxy hóa cao có thể giúp cải thiện tình trạng ho đờm tại nhà. Bạn có thể sử dụng tỏi sống giã nát hòa với nước ấm để uống hoặc sử dụng tỏi trong chế biến món ăn giúp giảm dần tình trạng ho đờm.
Cách trị ho có đờm bằng thuốc Đông y
Hiện nay có một số bài thuốc đông y được sử dụng để trị ho và ho có đờm kéo dài:
– Bài thuốc 1: Chuẩn bị 16g bạch dược, 16g nam dương sâm, 16g sâm đại hành, 12g quất hồng bì, 12g mơ muối, 12g cam thảo, 12g rễ chanh, 10g thủy ngọc, 16g xa tiền thảo, 16g bạch mao căn. Các dược liệu rửa sạch, cho vào siêu thuốc 400ml nước và đun nhỏ lửa cho cô lại còn khoảng 200ml, chắt ra bát, để nguội và sử dụng 2 lần/ ngày tới khi hết ho đờm.
– Bài thuốc 2: Chuẩn bị 5g sinh khương, 8g thảo khương, 10g phục linh, 10g thổ bối mẫu, 10g trần bì, 12g huyền sâm, 12g sa sâm, 12g cam thảo bắc, 16g nam dương sâm, 16g dương cửu, 16g bạch dược, 20g tang diệp. Cho tất cả các loại thảo dược trên đã rửa sạch vào siêu thuốc với khoảng 600ml, đun nhỏ lửa tới khi cô đặc lại còn 300ml. Chắt lấy nước uống 3 lần/ ngày và sử dụng kiên trì mỗi ngày 1 thang giúp tiêu đờm cho người lớn hiệu quả.
– Bài thuốc 3: Chuẩn bị 5g gừng tươi, 10g xà hưu thảo, 10g cam thảo, 10g đại táo, 10g thủy ngọc, 10g bạch phi, 12g độc diệp thảo, 12g trần bì, 16g giả tô, 16g ngải diệp, 16g sâm bố chính, 16g đương quy. Cho các loại dược liệu vào ấm đun với 800ml nước. Sau khi cô lại còn 400ml thì chắt ra, lấy nước uống làm 3 lần trong ngày.
Bên cạnh các bài thuốc đông y trị ho đờm, người bệnh có thể tham khảo sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giảm ho được bào chế dưới dạng siro đóng chai hoặc viên ngậm vô cùng tiện lợi, không mất công sắc uống, không sợ vị thuốc khó uống.
Chữa ho có đờm bằng thuốc Tây y
Trong nhiều trường hợp ho có đờm kéo dài, khạc đờm ra máu, đờm màu xanh, màu vàng… do mắc các bệnh lý mạn tính ở đường hô hấp thì cần sử dụng kết hợp thuốc tây y.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị ho có đờm gồm:
– Thuốc long đờm (thuốc loãng đờm, thuốc tiêu chất nhầy). Loại thuốc này giúp làm loãng dịch nhầy, giúp làm giảm độ nhớt và đặc của đờm, giúp người bệnh dễ dàng tống khứ đờm ra khỏi cơ thể qua phản xạ ho.
– Thuốc giảm đau họng: Được chỉ định kèm theo khi người bệnh ho đờm kéo dài có biểu hiện đau rát cổ họng.
Trường hợp ho đờm dai dẳng cần có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ
Người bệnh không nên tự ý mua thuốc giảm ho, long đờm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho đờm, mức độ nặng – nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn đơn thuốc điều trị phù hợp.
Biện pháp kết hợp điều trị ho có đờm tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc tây y hoặc áp dụng các biện pháp giảm ho từ thảo dược, người bệnh có thể áp dụng thêm các biện pháp sau đây để giảm ho đờm nhanh chóng.
– Uống đủ nước: Khi uống nước sẽ giúp cổ họng không bị khô, làm loãng đờm nhầy giúp ích rất nhiều cho việc tống đờm ra ngoài.
– Uống nước chanh: Vitamin C trong chanh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, sát khuẩn họng, làm long đờm hiệu quả. Do đó người bệnh cũng nên uống nước chanh pha mật ong hoặc ngậm lát mỏng chanh 2-3 lần mỗi ngày.
– Vệ sinh mũi họng: Việc vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý có tác dụng làm loãng dịch mũi và vệ sinh vòm họng, sát khuẩn họng. Biện pháp này cũng hỗ trợ loãng đờm nhầy, giúp người bệnh dễ thở và dễ tống đờm ra ngoài hơn.
– Dùng tinh dầu: Có một số loại tinh dầu thơm như dầu tràm, khuynh diệp, hương thảo, bạc hà… cũng có tác dụng trị ho đờm, làm ấm cơ thể, ngừa cảm lạnh mà người bệnh nên áp dụng.
– Xông hơi: Khi hơi nước nóng đi vào đường thở sẽ giúp làm loãng đờm. Vì thế, bạn có thể áp dụng kết hợp biện pháp xông hơi khi tắm hoặc sử dụng bát nước nóng hòa với chút muối để xông mũi, miệng.
– Làm ẩm không khí: Không khí được làm ẩm khi hít vào sẽ giúp làm loãng dịch đờm. Bạn có thể sử dụng máy phun sương hoặc máy tạo độ ẩm để giúp không khí trong phòng không bị khô.
Cách dự phòng ho đờm tái phát và phòng ngừa hiệu quả
Ho đờm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên trong thời gian bị ho đờm, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ. Đồng thời thực hiện kết hợp các biện pháp điều trị vừa nêu trên để cải thiện nhanh chóng tình trạng sức khỏe.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng tuân thủ theo những biện pháp dưới đây để dự phòng bệnh tái phát hoặc phòng ngừa hiệu quả (đối với người chưa mắc ho đờm).
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn uống khoa học, đủ chất không chỉ giúp tăng cường sức khỏe còn hỗ trợ đẩy lùi sớm bệnh ra khỏi cơ thể. Do đó khi bị ho đờm, người bệnh cần tránh ăn những thực phẩm cay, nóng, khó nuốt. Ưu tiên những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể rau xanh, các loại trái cây…Hạn chế đồ uống có ga, rượu bia.
– Thay đổi lối sống: Để phòng ngừa ho đờm tái phát, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc điều độ. Vận động thể dục thể thao mỗi ngày nhằm tăng cường sức khỏe. Hạn chế thức khuya, giảm căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài.
– Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ho như khói bụi, thuốc lá, lông vật nuôi… Giữ gìn môi trường sống, không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Hạn chế tới nơi đông người, nếu ra ngoài cần sử dụng khẩu trang để ngăn bụi bẩn, virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp.
– Sử dụng chất kháng sinh tự nhiên thông qua việc ăn các thực phẩm như gừng, tỏi, mật ong, nghệ… rất tốt cho người bệnh ho đờm và phòng ngừa mắc bệnh ở đường hô hấp.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe, sử dụng các biện pháp giảm ho đờm ngay khi mới khởi phát bệnh, tránh trường hợp để lâu, ho đờm dai dẳng trong thời gian dài khó chữa trị dứt điểm.
– Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn.
Câu hỏi thường gặp về ho đờm
Ho đờm vàng đặc hoặc xanh đặc là bị bệnh gì?
Màu sắc đờm có thể cảnh báo vấn đề gặp phải ở đường hô hấp. Khi thấy đờm có màu vàng hoặc xanh chứng tỏ đang có biểu hiện viêm, nhiễm trùng đường thở. Một số bệnh lý khiến đờm có màu vàng hoặc xanh đặc như viêm phổi, giãn phế quản, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn tính…
Ho có đờm điều trị khỏi được không?
Ho đờm có thể điều trị khỏi được nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị ngay khi chớm ho đờm.
Thời gian khỏi bệnh nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào vào mức độ bệnh, thể trạng sức khỏe từng người. Do đó, khi bị ho đờm, bạn cần đi khám và tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, kết hợp dùng thêm các sản phẩm hỗ trợ giảm ho và chăm sóc kỹ lưỡng cơ thể trong thời gian bị bệnh sẽ sớm hồi phục sức khỏe.
Ho đờm kèm theo ngứa cổ họng phải làm sao?
Khi virus hoặc vi khuẩn tấn công hệ hô hấp sẽ gây ra tổn thương ở đường hô hấp. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng ho, đau vùng họng, dịch đờm nhiều, ngứa rát họng… Để giảm tình trạng này bạn có thể sử dụng các sản phẩm giảm ho, long đờm, giảm đau họng từ thảo dược được bào chế dưới dạng viên ngậm hoặc siro. Khi uống hoặc ngậm, thành phần từ thảo dược sẽ tác động trực tiếp vào niêm mạc thành họng làm dịu cơn ngứa, đau rát hoặc kích ứng gây ho, giúp làm loãng đờm nhầy.
Trên đây là những thông tin cần biết về ho có đờm – cách phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hi vọng với những thông tin bổ ích này sẽ giúp bạn luôn có một hệ hô hấp khỏe mạnh, không sợ tái phát ho có đờm. Nếu cần được tư vấn thêm độc giả vui lòng liên hệ hotline 1800 9229 để Dược sĩ chuyên môn giỏi giải đáp.
Nguồn tham khảo
- Keri Wiginton (2022). What Causes a Productive Cough?. Webmd. Truy cập ngày 30/3/2023.
- Megan Soliman, MD (2023). What Illnesses or Conditions Cause Wet Cough, and How Do I Treat It?. Healthline. Truy cập ngày 30/3/2023