Từ xa xưa, vị thuốc tang bạch bì đã được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị ho y học cổ truyền. Vậy cách sử dụng tang bạch bì như thế nào hiệu quả? Tang bạch bì chứa những thành phần hóa học nào? Công dụng của tang bạch bì là gì? Hãy cùng Dược Tín Phong tìm hiểu qua bài viết sau.
Đặc điểm của tang bạch bì
Tang bạch bì có tên khoa học là Cortex mori Albae Radicis, dược liệu thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Chúng được làm từ rễ của cây dâu tằm phơi khô, đã bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài và thân gỗ bên trong. Chúng còn có tên gọi khác là sinh tang bì, tang căn bạch bì, mã ngạch bì…
Những cây dâu tằm hoang dại thường nhỏ, cao hơn 6m và giảm xuống 1,5- 2m ở cây trồng. Cành dâu lúc non mềm và có lông, sau trưởng thành nhẵn và chuyển sang màu xám.
Lá dâu có nhiều hình dạng khác nhau như hình bầu dục, hình tim hoặc hình trứng. Chúng mọc so le lẫn nhau, mép lá có răng cưa nhỏ đều, phiến lá mỏng, mềm; cuống lá dài mảnh, hơi có lông.
Hoa của dâu tằm thuộc loại hoa đơn tính, không có cánh. Quả dâu được bao bọc trong các lá đài mọng nước tích tụ họp thành một quả phức, khi chín có màu hồng hoặc đỏ, sau đó chuyển đen. Mùa ra hoa và quả là vào tháng 5 -7 hàng năm.
Tang bạch bì được chọn từ các rễ dâu tằm ngầm dưới đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp vỏ ngoài màu vàng nâu, lấy phần trong màu trắng ngà, chặt thành từng đoạn dài 20-50cm, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Mặt ngoài của dược liệu tang bạch bì có màu trắng nhạt, hơi nhẵn, có khi xơ lên thành sợi, những chỗ chưa cạo kỹ có màu vàng nâu hay vàng cam. Chúng có thể dùng sống hoặc tẩm mật ong sau đó sao vàng.
Qua nhiều thế kỉ nghiên cứu, phân tích và chiết tách, các nhà khoa học đã chỉ ra trong dược liệu tang bạch bì có chứa rất nhiều hoạt chất có lợi trong y học hiện nay. Ví dụ, như là:
- Mulberin, Cyclomulberin.
- Mulberochromen, Cyclomulberochromen.
- Nhóm các hợp chất flavonoid: kuwanone E, kuwanone G và norartocarpanone…
- Albafuran, Albafuran B, C; Mulberaol, Albanol và các hợp chất phenyl flavor được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Ngoài ra, còn chứa: Umbeliferon, Morin, Sitosterol, Resinotanal, Moran A (glucoprotein), ß – tocopherol, ethyl 2,4- dihydrobenzoat, acid betulenic …
Công dụng của tang bạch bì
Trong Đông y, Tang bạch bì dược liệu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát đem đến công dụng thanh phế nhiệt, lợi thũng, giảm ho, trừ đờm, hạ suyễn.
Đi cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại, dược liệu tang bạch bì đã được sử dụng rộng rãi hơn với nhiều công dụng như là chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, khái huyết, trẻ con ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, băng huyết, sốt …
Dưới đây là một số tác dụng tang bạch bì theo nghiên cứu dược lý hiện đại, cụ thể là:
- Tác dụng chống hen suyễn: Theo nghiên cứu khoa học của các tác giả Hyun-Ji Kim (2011) và tác giả Hyo Won Jung (2014) đã đưa ra cụ thể tác dụng chống hen suyễn của tang bạch bì là nhờ hoạt chất Kuwanon G đem lại. Những kết quả này chỉ ra rằng tang bạch bì có khả năng ngăn chặn sự tiến triển bệnh hen suyễn dị ứng thông qua việc ức chế sự phá hủy phổi do viêm và các tác nhân kích thích miễn dịch gây ra.
- Tác dụng ức chế viêm đường hô hấp: Trong nghiên cứu của tác giả Hun Jai Lim và cộng sự (2013) đã chỉ ra thành phần flavonoid trong tang bạch bì đã ức chế đáng kể viêm đường hô hấp và kiểm soát tình trạng viêm phổi bao gồm cả viêm phế quản hiệu quả.
- Tác dụng hạ đường huyết: Trong nghiên cứu của Tác giả Mi Zhang và cộng sự ( 2009), nhóm tác giả đã phân lập được ba hợp chất Moracin M, Steppogenin-4′- O -β-D-glucoside và Mullberroside A từ chiết xuất tang bạch bì. Các hợp chất này đều cho thấy tác dụng hạ đường huyết của tang bạch bì trên thực nghiệm.
Một số lưu ý khi sử dụng tang bạch bì
Không sử dụng cho các đối tượng mẫn cảm và dị ứng với tang bạch bì, và lưu ý các trường hợp sau:
- Ho do cảm phong hàn;
- Mắc bệnh tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ;
- Không sử dụng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.
Cách dùng tang bạch bì trong bài thuốc cổ truyền hiệu quả
Không khó để bạn bắt gặp tang bạch bì trong các bài thuốc cổ truyền điều trị ho, long đờm. Dưới đây là một số bài thuốc thường được sử dụng hiện nay.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm phổi
Bạn có thể sử dụng vị thuốc tang bạch bì theo 2 bài thuốc sau đây:
Bài thuốc 1: Sử dụng kết hợp 8 gam tang bạch bì với 8 gam tía tô, 8 gam hoàng liên, 16 gam kim ngân hoa, 12 gam lá tre cùng với thạch cao và sài đất mỗi loại 20 gam. Đem sắc hỗn hợp các thảo dược trên thành nước, uống nhiều lần trong ngày;
Bài thuốc 2 (Bạch hổ thang gia giảm): Sử dụng 8 gam vị thuốc tang bạch bì, 16 gam kim ngân hoa, 20 gam thạch cao, 4 gam cam thảo cùng với liên kiều, hoàng cầm, hoàng liên và tri mẫu mỗi loại 6 gam, đem sắc lấy nước uống.
Bài thuốc chữa sốt nhẹ, viêm phế quản và hen suyễn
Bài thuốc 1: Sử dụng 12 gam tang bạch bì và 12 gam lá tỳ bà, sắc lấy nước uống;
Bài thuốc 2 (Bột tả bạch): Sử dụng 12 gam tang bạch bì, 12 gam địa cốt bì, 8 gam sinh cam thảo và 20 gam ngạnh mễ. Đem sắc hỗn hợp các thảo dược trên thành nước, uống nhiều lần trong ngày;
Bài thuốc số 3: Chuẩn bị 20 gam tang bạch bì dược liệu, 8 gam cam thảo và 12 gam hạt tía tô, đem sắc lấy nước uống.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu ít, phù thũng và viêm thận
Bài thuốc 1: Chuẩn bị 20 gam dược liệu tang bạch bì cùng với 63 gam xích tiểu đậu, đem hỗn hợp 2 dược trên đi sắc lấy nước uống;
Bài thuốc 2: Chuẩn bị dược liệu tang bạch bì, vỏ gừng và vỏ quả câu mỗi loại 12 gam cùng với 8 gam phục linh bì và 8 gam trần bì. Sau khi sơ chế và cân đủ lượng, đem dược liệu đi sắc lấy nước sử dụng trong ngày.
Bài thuốc cải thiện tình trạng viêm phế quản mãn tính
Kết hợp hai dược liệu đó là tang bạch bì và tỳ bà diệp, mỗi loại 10 gam. Đem sắc hỗn hợp các thảo dược trên thành nước, sử dụng nhiều lần trong ngày;
Bài thuốc điều trị viêm cầu thận cấp phù (mức độ nhẹ và vừa)
Kết hợp 10 gam vị thuốc tang bạch bì cùng với 12 gam phục linh bì và 10 gam mỗi loại: đại phúc bì, sinh khương bì, trần bì. Sử dụng 1 thang thuốc mỗi ngày đến khi thu được kết quả như mong đợi.
Bài thuốc điều trị ho do nhiệt đàm
Kết hợp 12 gam tang bạch bì cùng với 4 gam cam thảo và 12 gam đại cốt bì để sắc lấy nước uống.
Tài liệu tham khảo
Tác giả Hyun-Ji Kim và các cộng sự (2011), Cortex Mori Radicis extract exerts antiasthmatic effects via enhancement of CD4+CD25+Foxp3+ regulatory T cells and inhibition of Th2 cytokines in a mouse asthma model, sciencedirect.com. Truy cập ngày 12/04/2023.
Tác giả Hun Jai Lim và cộng sự (2013), The root barks of Morus alba and the flavonoid constituents inhibit airway inflammation, sciencedirect.com. Truy cập ngày 12/04/2023.
Tác giả Hyo Won Jung và cộng sự (2014), Effect of Kuwanon G Isolated from the Root Bark of Morus alba on Ovalbumin-induced Allergic Response in a Mouse Model of Asthma, onlinelibrary.wiley.com/. Truy cập ngày 12/04/2023.
Tác giả Mi Zhang và cộng sự (2009), In vivo hypoglycemic effects of phenolics from the root bark of Morus alba, sciencedirect.com. Truy cập ngày 12/04/2023.